Sáu tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva, tăng cường vũ trang cho Kiev và tập hợp đồng minh phương Tây phản kháng Tổng thống Vladimir Putin.
Bước đi này đẩy quan hệ Nga-Mỹ xuống ngưỡng thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ngay cả trong trường hợp Moskva thay đổi chiều hướng can dự tại Ukraine, cũng chưa thể khẳng định được chính xác cấu trúc chính sách của Mỹ đối với Nga trong dài hạn cũng như hành động thường trực của Washington với Moskva.
Hiện tại, Mỹ tập trung sử dụng cấm vận nhằm gây thiệt hại cho ngành năng lượng, tài chính của Nga, giới tài phiệt, tỉ phú cũng như các tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga, để buộc Moskva phải rút quân và dừng các hành động thù địch ở Ukraine. Nhưng chính ông Biden cũng từng cáo buộc đồng cấp người Nga phạm phải tội ác chiến tranh, không thích hợp để nắm quyền lãnh đạo - một bình luận mà sau đó Nhà Trắng đã phải nhanh chóng lên tiếng giải thích Mỹ không có ý định thay đổi thể chế tại Nga, còn Điện Kremlin phản ứng gay gắt.
Theo giới cựu quan chức Nhà Trắng và chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Mỹ, đưa quan hệ Nga-Mỹ trở lại trạng thái bình thường như trước đây là điều không thể. “Ngay cả khi chiến tranh chấm dứt - một kịch bản có thể không sớm xảy ra, rất khó để quan hệ Nga-Mỹ phục hồi trở lại”, Angela Stent, giáo sư tại Đại học Georgetown (Mỹ) và là chuyên gia nghiên cứu về Nga, bình luận.
Giới chức an ninh quốc gia tại Mỹ thừa nhận chính quyền Tổng thống Joe Biden đã không đạt được mục tiêu về thiết lập “quan hệ ổn định, có thể đoán định được” với Nga sau khi ông Putin lệnh đưa quân sang Ukraine. Ít có khả năng quan hệ Nga-Mỹ trở lại trạng thái trước chiến tranh.
“Sẽ không có nới lỏng trừng phạt. Chúng ta sẽ tiếp tục cấm vận Nga cho đến khi ông Putin đảo nghịch tiến trình, tiết giảm xâm lấn bằng vũ lực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu hồi tháng trước.
Đến nay, Nga và Ukraine đã tiến hành nhiều vòng đàm phán về một lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt xung đột, nhưng chưa có đột phá. Theo giới cựu quan chức Mỹ, ngay cả khi Moskva và Kiev đạt thỏa thuận hòa bình, Mỹ và các nước châu Âu có thể sẵn sàng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt, nhưng không phải tất cả. Mỹ và EU cũng né tránh đề cập chi tiết đâu là điều kiện cần thiết để dỡ cấm vận.
Bỏ qua khủng hoảng Ukraine, Mỹ và Nga nhiều khả năng sẽ tiếp tục hợp tác trong một số mục tiêu chiến lược và an ninh. Giới chức Nhà Trắng đề cập đến các cuộc thảo luận về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran mà trong đó Nga là một nhân tố chủ chốt. Ngoài ra, hai bên cũng có thể phối hợp trong việc tái thiết Afghanistan, kiểm soát vũ trang cũng như hợp tác trong vấn đề Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington không có ý định đóng băng quan hệ với Điện Kremlin. Giới chức ngoại giao trong Đại sứ quán Mỹ ở Moskva, dù số lượng đã bị cắt giảm nhiều, nhưng vẫn tiếp tục giao thiệp với đồng cấp, quan chức Nga.
Nhưng những cáo buộc về cái gọi là “tội ác chiến tranh” trong xung đột ở Ukraine sẽ là nhân tố kiềm chế đà phục hồi quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai. Cùng với Ukraine, giới chức Mỹ và EU gần đây đề cập nhiều đến một số vụ việc diễn ra ở Bucha và Mariupol, cáo buộc binh sĩ Nga giết hại dân thường. Tổng thống Mỹ ngày 4/4 lần đầu tiên lên tiếng về cáo buộc “giết hại dân thường” xảy ra ở Bucha, cam kết sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Về phần mình, Nga kiên quyết bác bỏ những cáo buộc “sát hại dân thường” tại Bucha. Hãng tin Interfax ngày 4/4 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết Moskva “thực sự nghi ngờ” những báo cáo, thông tin mà Ukraine và phương Tây công bố nhằm quy trách nhiệm cho Nga. “Với những gì xem được, chất liệu video phần lớn không đáng tin. Các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Nga đã phát hiện ra một số dấu hiệu video chỉnh sửa, video giả tạo”, ông Peskov nói.
Theo Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, các cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh sẽ khó khăn hơn, khi xuất hiện những cáo buộc về “giết hại dân thường” và sẽ rất khó đẻ quan hệ Nga-Mỹ quay trở lại trạng thái như bình thường.
Tại thời điểm này, Mỹ và đồng minh nuôi hy vọng những lệnh trừng phạt chống nga cùng với khả năng kháng cự của Ukraine sẽ buộc ông Putin phải xuống thang. Trước đó, họ đã thất bại trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của Moskva, dù nền kinh tế Nga đang và sẽ phải đối mặt với suy thoái sâu do lệnh trừng phạt. Biện pháp này cần có thêm thời gian để “ngấm” tá dụng.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng đòn cấm vận trước đó nhằm vào Triều Tiên, Iran, Venezuela hay Cuba không giúp Mỹ và phương Tây đạt mục tiêu về buộc chính quyền những nước này thay đổi chính sách.