Theo kế hoạch, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) ngày 29/8/2011 sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch mới thay thế Thủ tướng Naoto Kan. Nhiều người hy vọng sự ra đi của Thủ tướng Kan sẽ giúp ổn định chính trường Nhật Bản, vốn đã trải qua 5 lần thay đổi thủ tướng kể từ năm 2006. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng chính trường Nhật Bản có thể sẽ rơi vào vòng xoáy bất ổn mới nếu người kế nhiệm Thủ tướng Kan không khôi phục được sự đoàn kết trong DPJ và lôi kéo được sự hợp tác từ phía các đảng đối lập.
Sự ra đi đã được báo trước
Ngày 23/8, Thủ tướng Kan khẳng định ông sẽ từ chức sau khi Quốc hội thông qua hai dự luật chủ chốt mà chính phủ đệ trình vào khoảng ngày 26/8.
Trên thực tế, sự ra đi của Thủ tướng Kan là điều tất yếu. Hồi đầu tháng 6/2011, chiếc ghế của Thủ tướng Kan đã bị lung lay dữ dội sau khi ba đảng đối lập đệ trình bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với nội các lên Hạ viện. Trong nỗ lực vượt qua cuộc bỏ phiếu này, Thủ tướng Kan đã cam kết sẽ từ chức sau khi đạt được những tiến bộ rõ ràng trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima 1 và tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa ngày 11/3. Mặc dù vậy, ông không công bố rõ ràng thời điểm rời nhiệm sở.
Sự mập mờ về thời điểm từ chức của Thủ tướng Kan đã đẩy chính trường Nhật rơi vào thế bế tắc. Nhiều chính sách của chính phủ không thể thực hiện, trong đó có chính sách đối ngoại. Uy tín của Nhật Bản trên trường quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Kan liên tục giảm và cuối tuần trước đã tụt xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 6/2010 chỉ còn 15,8%.
Sóng gió lại sắp nổi lên trên chính trường Nhật Bản với việc ông Kan rời ghế thủ tướng. Ảnh: Internet |
Điều này đã khiến nhiều đồng minh một thời của Thủ tướng Kan, trong đó có quyền Chủ tịch DPJ Yoshito Sengoku, kêu gọi ông sớm từ chức. Cùng với Tổng Thư ký DPJ Katsuya Okada, ông Sengoku đã theo đuổi hai mục tiêu: Thay thế Thủ tướng Kan bằng một người khác mà họ ủng hộ và sau đó thành lập liên minh cầm quyền với LDP. Ban lãnh đạo DPJ đã thương lượng với LDP và Đảng Công minh nhằm thực hiện các điều kiện của Thủ tướng Kan. Nhờ vậy, ngày 25/7, Quốc hội đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ 2. Nhiều khả năng hai dự luật còn lại sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 26/8.
Cuộc chiến giữa các phe phái
Trong bối cảnh Thủ tướng Kan sắp từ chức, cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch DPJ đang nóng dần khi ngày càng có nhiều nghị sỹ của đảng này thể hiện mong muốn trở thành thủ tướng mới của Nhật Bản. Cho đến ngày 23/8, có ít nhất 7 nghị sỹ đã tuyên bố sẽ ra tranh cử hoặc đang cân nhắc khả năng ra tranh cử chức Chủ tịch DPJ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda và cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara.
Kể từ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nội các ở Hạ viện, Bộ trưởng Noda nổi lên là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế thủ tướng. Ông nhận được hậu thuẫn từ Tổng Thư ký Okada và quyền Chủ tịch Sengoku. Chính trị gia này không thuộc phái chống hay phái ủng hộ cựu Chủ tịch DPJ Ichiro Ozawa và không liên quan trực tiếp tới các nỗ lực nhằm kỷ luật ông Ozawa sau vụ bê bối quỹ chính trị của chính trị gia này nên cũng rất có thể được các nghị sĩ trung lập trong DPJ ủng hộ.
Tuy nhiên, ngày 23/8, cựu Bộ trưởng Maehara đã đột ngột tuyên bố ra tranh chức Chủ tịch DPJ. Sự xuất hiện này của Maehara đã làm thay đổi cục diện trên bàn cờ chính trị và khiến cho cuộc bầu cử sắp tới trở nên khó dự đoán hơn.
Mới 49 tuổi nhưng ông Maehara được coi là người có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề an ninh và ngoại giao. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, người đứng đầu phái gồm khoảng 120 nghị sĩ trong DPJ này là ứng cử viên sáng nhất cho chiếc ghế thủ tướng. Tuy nhiên, ông Maehara lại có lực lượng ủng hộ gần giống với ông Noda nên phiếu bầu có thể bị phân tán giữa hai ứng cử viên này. Bên cạnh đó, ông Maehara là một trong những người thuộc phe chống cựu Chủ tịch Ozawa, người đang lãnh đạo phái lớn nhất trong DPJ với khoảng 140 nghị sỹ. Điểm yếu lớn nhất của chính trị gia này là việc ông mới phải từ chức ngoại trưởng hồi tháng 3 do nhận tiền đóng góp chính trị của một người Hàn Quốc đang sống tại Nhật Bản.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, ứng cử viên được cựu Chủ tịch Ozawa hậu thuẫn có thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới. Không giống như cuộc bầu cử chủ tịch DPJ vào tháng 9/2010 có sự tham gia của tất cả các đảng viên và người ủng hộ DPJ, trong cuộc bầu cử sắp tới, chỉ có 398 nghị sỹ thuộc DPJ được quyền bỏ phiếu. Vì vậy, với tư cách người đứng đầu phái lớn nhất trong DPJ, ông Ozawa sẽ có ảnh hưởng lớn tới kết quả bỏ phiếu cho dù đang bị đình chỉ tư cách đảng viên.
Hôm 20/8, ông Ozawa đã gặp cựu Thủ tướng Hatoyama, người đang lãnh đạo phái có khoảng 30 nghị sỹ. Theo nhật báo Asahi, hai bên đã nhất trí ủng hộ ứng cử viên phản đối các chính sách của Thủ tướng Kan. Các nhà quan sát cho rằng trong số các ứng cử viên mà hai chính trị gia quyền lực này có thể hậu thuẫn có Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Banri Kaieda và cựu Bộ trưởng Giao thông Sumio Mabuchi.
Ngoài hai ứng cử viên này, theo giới truyền thông Nhật Bản, cựu Bộ trưởng Môi trường Sakihito Ozawa và Bộ trưởng Nông – Lâm - Ngư nghiệp Michihiko Kano cũng có thể sẽ tiếp cận với cựu Tổng Thư ký Ozawa để tìm kiếm sự ủng hộ.
Do có quá nhiều ứng cử viên, nhiều khả năng DPJ có thể sẽ phải tổ chức bỏ phiếu lần hai sau khi không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu ở vòng một. Vòng hai có thể sẽ là cuộc đấu quyết liệt giữa một bên ủng hộ và một bên chống cựu Chủ tịch Ozawa. Điều này sẽ tiếp tục làm chia rẽ DPJ sau bầu cử và gây bất ổn trên chính trường Nhật Bản.
Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản).