Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt một ngân sách chi tiêu quốc phòng kỷ lục, chiếm tới 1/3 tổng chi tiêu của chính phủ, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang làm cạn kiệt nguồn lực của cả hai bên sau gần ba năm.
Ngân sách năm 2025, được công bố hôm 1/12, phân bổ khoảng 126 tỷ USD (13,5 nghìn tỷ rúp) cho quốc phòng - chiếm 32,5% chi tiêu của chính phủ.
Ngân sách quốc phòng vừa được phê duyệt cao hơn khoảng 28 tỷ USD (ba nghìn tỷ rúp) so với kỷ lục trước đó được thiết lập trong năm nay.
Ngân sách cho 3 năm tới cũng dự báo chi tiêu quân sự của Nga sẽ giảm nhẹ trong năm 2026 và 2027. Các nhà lập pháp ở cả hai viện của Quốc hội Nga đã phê duyệt ngân sách này.
Cuộc chiến Nga - Ukraine là cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Moskva hiện đang giành được lợi thế tại các điểm then chốt dọc theo tiền tuyến và tiến hành phản công ở khu vực Kursk - nơi Kiev đã phát động cuộc tấn công vượt biên giới hồi tháng 8 và kiểm soát một số vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, cuộc chiến chậm chạp, dai dẳng - thường được gọi là cuộc chiến tiêu hao khi cả hai bên đều cố gắng làm suy yếu bên kia - đã làm cạn kiệt nguồn lực của cả hai nước.
Ukraine luôn ở thế yếu về cả vật lực và nhân lực, mặc dù đã nhận được hàng chục tỷ USD viện trợ từ các đồng minh phương Tây, bao gồm hơn nửa tỷ USD thiết bị quân sự mới do Đức cam kết hôm 2/12. Hiện vẫn chưa biết Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ bao nhiêu sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Trong khi đó, Nga sở hữu nhiều vũ khí, đạn dược và nhân lực hơn, nhưng áp lực lên nền kinh tế và dân số của nước này đang gia tăng.
Nga đã tăng mạnh chi tiêu quân sự trong hai năm qua và nền kinh tế của nước này đang có dấu hiệu quá nóng: lạm phát đang ở mức cao và các công ty đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Để kiểm soát tình hình, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 21% vào tháng 10, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Sau khi Nga phê duyệt chi tiêu kỷ lục cho quốc phòng trong năm 2025, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đã đánh giá, chi tiêu quốc phòng tăng của Nga không nhất thiết tương đương với năng lực quân sự được nâng cao. ISW nhận định điều này có thể còn ảnh hưởng đến khả năng duy trì xung đột của Điện Kremlin ở Ukraine.
Theo sắc lệnh phê duyệt ngân sách liên bang năm 2025 được Tổng thống Putin ký ngày 1/12, khoảng 41% chi tiêu hàng năm của Nga được phân bổ cho an ninh và quốc phòng quốc gia.
ISW chỉ ra rằng mặc dù chi tiêu quốc phòng tăng thể hiện mối quan tâm lớn, nhưng nó không tự động chuyển thành sự gia tăng tương ứng trong tiềm năng quân sự của Nga. Nhiều khoản tiền trong số này được chuyển hướng để bồi thường cho binh lính, cựu chiến binh và gia đình của họ.
Việc Nga liên tục tập trung vào chi tiêu quốc phòng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng phục hồi các chương trình xã hội của nước này. Điều này có thể thách thức khả năng duy trì các nỗ lực tham gia xung đột của Moskva, đặc biệt là khi nền kinh tế Nga đang chịu áp lực ngày càng tăng và Tổng thống Putin có xu hướng tránh rủi ro đối với sự ổn định của chế độ.
Trong khi đó, Ukraine tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quân sự đáng kể từ các đồng minh. Hôm 2/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến Kiev lần đầu tiên sau hơn hai năm, tại đây ông cam kết cung cấp hơn 650 triệu euro (4 triệu USD) thiết bị quân sự cho Ukraine.
Ông Scholz tuyên bố rằng Đức sẽ cung cấp thêm hệ thống phòng không – bao gồm hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất – cho Ukraine vào năm tới.
Chuyến thăm của Thủ tướng Scholz diễn ra sau khi ông khiến các quan chức Ukraine tức giận vào tháng trước với cuộc gọi điện cho Tổng thống Putin, chấm dứt nỗ lực kéo dài nhiều năm của châu Âu nhằm cô lập tổng thống Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Phát biểu cùng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một cuộc họp báo ở Kiev, ông Scholz cho biết ông đã sử dụng cuộc gọi này để nhấn mạnh với ông Putin rằng "Ukraine phải là một quốc gia có chủ quyền độc lập" và "Nga phải chấm dứt chiến tranh và rút quân".