Với xuất thân là một doanh nhân thành đạt mới chuyển sang hoạt động chính trị, không có gì ngạc nhiên khi tân Thủ tướng Thái Lan tập trung nhiều vào vấn đề kinh tế và có thể nhận thấy kinh tế là “từ khóa” quan trọng trong cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại của chính phủ Thủ tướng Srettha thời gian tới.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Srettha cho biết nền kinh tế Thái Lan đang ở trạng thái “ốm yếu” do tỷ lệ nợ hộ gia đình và nợ công đều cao, tương ứng lần lượt là 90% và 61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Do đó, Chính phủ sẽ phải bắt tay ngay vào những giải pháp “cứu chữa” để nền kinh tế phục hồi và phát triển. Trong số các biện pháp sẽ được thực hiện sớm có việc tặng 10.000 baht (hơn 279 USD) tiền trợ cấp cho mỗi công dân trên 16 tuổi, để bơm thêm tiền vào hệ thống kinh tế của đất nước, thúc đẩy chi tiêu, đầu tư, mở rộng kinh doanh và tạo công ăn việc làm cũng như thúc đẩy doanh thu từ thuế.
Tiếp đó, Chính phủ sẽ giải quyết vấn đề nợ với mục tiêu vừa giảm bớt gánh nặng nợ của nông dân, các hộ gia đình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừa đảm bảo các biện pháp giãn nợ sẽ không phá hỏng nguyên tắc tài chính của các chủ nợ.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ tìm giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất để giảm giá năng lượng, tái cơ cấu sử dụng năng lượng, tìm kiếm các nguồn năng lượng mới và thúc đẩy năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đẩy nhanh đàm phán với các nước láng giềng về tài nguyên năng lượng ở các khu vực chồng lấn tranh chấp.
Trong lĩnh vực du lịch vốn được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế Thái Lan, Chính phủ mới cũng đặt mục tiêu mới về thu hút du khách quốc tế, cải thiện quá trình cấp thị thực, giảm phí thị thực cho du khách ở một số nước trọng điểm, mở làn cấp visa nhanh cho những du khách tới Thái Lan tham dự các sự kiện thương mại quốc tế từ nay đến cuối năm. Để thúc đẩy du lịch, Chính phủ Thái Lan đã thông báo miễn thị thực đối với du khách từ Trung Quốc và Kazakhstan trong 5 tháng từ 25/9 tới 29/2/2024. Chính phủ cũng cam kết phối hợp chặt chẽ hơn với khu vực tư nhân trong việc chủ trì các lễ hội và sự kiện thương mại quốc tế tại Thái Lan; cải thiện các kết nối vận tải, bao gồm cả việc cải thiện vận tốc và chất lượng hàng không nội địa trên toàn quốc; trấn áp các hoạt động tội phạm ảnh hưởng đến du khách để duy trì lòng tin của du khách. Chương trình “tái khởi động ngành du lịch” với 10 biện pháp quảng bá du lịch của Chính phủ Thái Lan hướng tới mục tiêu đón 40 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2024 và tạo ra doanh thu 3.100 tỷ baht (khoảng 88 tỷ USD).
Thủ tướng Srettha nhấn mạnh Chính phủ sẽ tập trung vào các biện pháp kích thích kinh tế và thúc đẩy chi tiêu trong ngắn hạn, trong khi về trung và dài hạn sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực, tạo thu nhập, cắt giảm chi phí và cải thiện đời sống nhân dân.
Theo đánh giá của nhà báo kỳ cựu Supalak Ganjanakhundee, cựu Tổng biên tập báo The Nation, việc những chính sách mới mà Thủ tướng Srettha tuyên bố thiếu vắng nhiều cam kết từng được đảng Pheu Thai đưa ra trong quá trình tranh cử phản ánh một thực tế rằng dù là đảng lãnh đạo, song Pheu Thai không có nhiều quyền thương lượng trong một chính phủ có tới 11 đảng, bao gồm hầu hết các đảng lớn thuộc chính quyền tiền nhiệm của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Tuy vậy, ông Supalak cho rằng Thủ tướng Srettha với kiến thức nền tảng vững chắc về kinh tế cùng nội các gồm nhiều bộ trưởng có kinh nghiệm điều hành chính phủ sẽ có thể đưa ra một chính sách rõ ràng để khởi động lại nền kinh tế đất nước.
Trong khi đó, Giáo sư Ukrist Pathmanand thuộc Viện Nghiên cứu châu Á của Đại học Chulalongkorn cho rằng vấn đề kinh tế rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại. Theo ông, chính phủ của Thủ tướng Srettha sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại tập trung vào việc mang lại lợi ích kinh tế, với chính sách ngoại giao chủ động nhằm đảm bảo tiếp cận nhiều thị trường hơn trên toàn cầu, đồng thời có thể định vị lại lập trường của Thái Lan để đối phó tốt hơn với các xung đột và cạnh tranh địa chính trị.
Mặc dù các chính sách mới được Thủ tướng Srettha đưa ra cũng vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng gói chính sách thiếu những giải pháp và mốc thời gian cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra, chính phủ mới cũng đang cho thấy sự khẩn trương của mỗi cá nhân, từ Thủ tướng Srettha cho tới các bộ trưởng, trong việc bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới.
Thủ tướng Srettha sẽ cùng tân Bộ trưởng Ngoại giao Parnpree Bahiddha-Kukara tới New York (Mỹ) dự Tuần lễ cấp cao khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (từ ngày 18/9). Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Srettha Thavisin trên cương vị Thủ tướng Thái Lan. Tại đây, ông Srettha dự kiến sẽ gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo thế giới để giới thiệu về tiềm năng cơ hội đầu tư kinh doanh tại Thái Lan. Một phái đoàn đàm phán của Thái Lan gồm đại diện nhiều bộ như Thương mại, Tài chính, Ngoại giao, Lao động, Nông nghiệp và Hơp tác xã, Công nghiệp…, từ ngày 18 - 22/9 cũng sẽ tới Brussels để tham gia vòng đầu tiên đàm phán Hiệp định thương mại tự do Thái Lan - Liên minh châu Âu (EU) vốn bị ách tắc gần 10 năm qua.
Có thể thấy chính phủ của Thủ tướng Srettha đang không muốn lãng phí thêm thời gian trong việc thực hiện mục tiêu phục hồi và cải thiện nền kinh tế. Theo đánh giá của một số người đứng đầu khu vực tư nhân, ít nhất trong ngắn hạn (1 - 2 năm), nền kinh tế và người dân Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ cả các dự án vật chất thông qua hoạt động và đầu tư của chính phủ mới. Có bột mới gột nên hồ! Làm sao để mạnh về kinh tế đang là bài toán mà chính phủ mới ở "xứ sở Chùa Vàng" muốn tìm lời giải, trước khi tính đến chuyện đưa Thái Lan trở lại thành lực lượng dẫn dắt trong các vấn đề khu vực và quốc tế.