Con đường ‘sói hóa’ của những kẻ 'độc hành'

Khi lật giở hồ sơ của Michael Zehaf-Bibeau, tay súng 32 tuổi tấn công Tòa nhà Quốc hội Canada và giết hại một binh sĩ trong tuần trước, các nhà chức trách nhận ra những điểm chung thường thấy trong hồ sơ tội phạm: nam giới, bị xã hội xa lánh, ít bạn bè, không có công việc ổn định, lang bạt từ nơi này tới nơi khác, có tiền sử phạm tội vụn vặt và lạm dụng ma túy.

Tòa nhà Quốc hội Canada ở Ottawa . Ảnh: Ảnh: THX/TTXVN


Bước tiếp theo trong cuộc đời của những người này là việc cải sang hoặc quay trở lại với đạo Hồi, tiếp nhận tư tưởng của một phần tử jihad được nhồi nhét trong quá trình truyền thông và mạng xã hội đưa tin về cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan của phương Tây.

Lẽ dĩ nhiên, không thể không kể đến vai trò của chiến dịch tuyên truyền được các nhóm khủng bố như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lên kế hoạch một cách bài bản.

Trong lúc này, các nhà chức trách vẫn còn tranh cãi trong việc liệu nên gọi những phần tử này là các phần tử khủng bố hoạt động theo phương thức “con sói độc hành”, hay là những tên tội phạm mất trí? Bởi, như Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) từng nhận định: “Không tồn tại duy nhất một định nghĩa nào về chủ nghĩa khủng bố được chấp nhận trên phạm vi toàn thế giới”.


Trong nhiều trường hợp, việc các phần tử trên cải sang đạo Hồi phản ánh mong muốn tìm kiếm nhân dạng, mục đích, hay là cảm hứng phiêu lưu cho bản thân.

Và trên thực tế, dù cải sang đạo Hồi song rất ít người có hiểu biết sâu sắc về phương pháp luận Salafi, một hình thức bảo thủ sâu sắc của đạo Hồi, thứ hình thành cột trụ của các nhóm khủng bố như al-Qaeda và jihad. Thêm vào đó, những gì những người này viết ra thường phản ánh một tư duy kém mạch lạc.  

Thông thường, những đối tượng này nhìn nhận việc gia nhập Hồi giáo cực đoan là một hình thức chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ. Và những thù hận tồn tại sẵn có với chính quyền, lẫn cảm giác bị cho ra rìa sau đó bị thổi bùng lên. Thêm vào đó là niềm tin chính những kẻ không theo đạo Hồi trong xã hội là lực lượng ngay từ đầu đã đẩy những đối tượng này vào con đường sa ngã.

Tiểu sử của "những con sói độc hành"


Những phân tích lai lịch của hàng chục kẻ đã xung quân cho các chiến binh Hồi giáo, lên kế hoạch hay đã tiến hành một hành vi bạo lực cho thấy nhiều người gặp vấn đề trong quá trình trưởng thành, mặc dù không có bằng chứng nào chỉ ra số lượng những người này xuất hiện nhiều hơn trong những bối cảnh khó khăn hơn.

Họ dính líu vào ma túy và các tội vụn vặt ở cuối thời kì thanh thiếu niên hoặc đầu lứa tuổi 20 và thường cắt đứt liên lạc với gia đình. Một số chịu ảnh hưởng từ các nhà thuyết giáo cực đoan trong khi một số bị cực đoan hóa qua con đường internet.

Zehaf-Bibeau đã nhiều lần chạm trán với lực lượng thực thi pháp luật Canada và ít nhất hai lần bị buộc tội có liên quan đến ma túy. Với những người biết Zehaf-Bibeau, đây là một người hay di chuyển và có hành vi bất thường. Còn người nhà của tên này cho hay họ không gặp đối tượng trong 5 năm trời.

Thông qua truyền thông xã hội, Zehaf-Bibeau đã có liên lạc với một phiến quân Hồi giáo có tên Hasibullah Yusufzai ở Vancouver. Tuy nhiên tên này đã đến Syria đầu năm nay, và ảnh hưởng của tên này với Zehaf-Bibeau vẫn chưa được xác minh rõ ràng.

Zale Thompson.


Vài ngày sau vụ nổ súng ở Ottawa, một người đàn ông 32 tuổi khác, Zale Thompson, đã tấn công bốn cảnh sát New York bằng rìu trước khi bị bắn chết. Thompson sống thui lủi, bị đuổi khỏi hải quân Mỹ 11 năm trước (theo cảnh sát New York là vì vấn đề về ma túy), sáu lần bị bắt. Tên này cải sang đạo Hồi 2 năm trước và giống như nhiều người khác, có vẻ đã trao đổi thông tin với các nhóm khủng bố qua con đường internet.

Richard Reid, được biết đến dưới cái tên “kẻ đánh bom giày” sau khi cố làm nổ tung một chuyến bay xuyên Thái Bình Dương năm 2001, cũng là một người đàn ông có vấn đề: nhạy cảm, dính líu đến các tội nhỏ và ma túy, vào trại giáo dưỡng tội phạm trước khi cải sang đạo Hồi. Sau khi tiếp xúc với các lãnh tụ Hồi giáo ở các nhà thờ của đạo này tại London, quan điểm của y nhanh chóng mang nhiều màu sắc phiến quân hơn.

Thách thức trong nhận dạng

Câu hỏi được đặt ra là liệu các nhà chức trách có thể tăng khả năng nhận dạng những "quả bom nổ chậm" này hay không? Và làm thế nào để kết hợp tốt nhất giữa một bên là việc tăng cường giám sát và thắt chặt luật pháp với một bên là sự ngăn ngừa và trợ giúp của cộng đồng?

Nước Anh sử dụng các biện pháp điều chỉnh hành vi, giáo dục, đào tạo việc làm, trung tâm cai nghiện để “chuyển hóa” các đối tượng có nguy cơ bị cực đoan hóa, đồng thời thường xuyên kết nối những người này với các hình mẫu tốt trong cuộc sống để họ noi gương.

Trong khi đó, tại Canada, cơ quan phụ trách điều phối vì an ninh quốc gia và an toàn của công dân xác định, các thành viên gia đình, bạn bè, các nhân vật có tiếng nói trong tôn giáo và cộng đồng, giáo viên, nhà cung cấp dịch vụ y tế và xã hội là những đối tác quan trọng trong việc phát hiện và có những phản ứng trước những dấu hiệu phảng phất màu sắc cực đoan hóa.

Ngoài ra, cơ quan này cũng cho rằng việc dùng một lực lượng thực thi pháp luật để can thiệp sớm không thể bảo đảm ngăn chặn được sự cực đoan hóa của một cá nhân nào đó.

Dẫu vậy, vẫn còn những tranh luận khác xung quanh vấn về “những con sói độc hành”. Trên tờ Telegraph hồi tháng trước, nhà tội phạm học Andrew Silke cho rằng các đối tượng trên hiếm khi xuất hiện trong tầm ngắm của các nhà chức trách, trong khi những người tham gia các chương trình như vậy lại có khả năng không phải là những người gây quan ngại nhất cho chính phủ.


Anh Tiếu (Theo CNN)



Canada trước áp lực về chính sách chống khủng bố
Canada trước áp lực về chính sách chống khủng bố

Canada là một quốc gia thanh bình, rất hiếm khi xảy ra khủng bố. Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố sát Tòa nhà Quốc hội hồi tuần trước sẽ buộc nước này phải có những thay đổi liên quan tới chính sách ngoại giao và chống khủng bố trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN