Ông Trump và bà Harris không có chung quan điểm về một loạt các vấn đề liên quan đến Israel, từ phương thức chiến đấu đến tầm nhìn hoàn toàn khác biệt về vai trò của Mỹ trên thế giới. Nhưng trong bức tranh toàn cảnh về cuộc xung đột, hai ứng viên tổng thống cũng có những quan điểm tương đồng ở một số vấn đề quan trọng.
Cả bà Harris và ông Trump đều ủng hộ cuộc chiến đa mặt trận của Israel chống lại nhiều đối thủ - từ Hamas ở Gaza đến Hezbollah ở Liban. Cả hai đều muốn cuộc chiến ở Gaza sớm kết thúc, mở rộng các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các nước láng giềng. Không ai trong số họ ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Và trong một điểm chung đáng chú ý, cả hai ứng cử viên này đều muốn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Lập trường của các ứng cử viên
Những đề xuất và quan điểm của ông Trump và bà Harris về xung đột Israel được thể hiện rõ trong các phát biểu và tài liệu vận động tranh cử.
Cả hai ứng cử viên đều cam kết ủng hộ Israel nhưng thể hiện sự ủng hộ đó theo những ách khác nhau. Trong khi ông Trump nói rằng an ninh của Israel phụ thuộc vào chính ông, thì bà Harris cam kết sẽ bảo vệ liên minh của Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al Arabiya của Saudi Arabia vào tuần này, cựu Tổng thống Trump tuyên bố ông có thể giúp đạt được hòa bình ở Trung Đông dựa trên sự tôn trọng mà ông nhận được và các mối quan hệ mà ông đã xây dựng ở đó.
“Tôi muốn thấy Trung Đông trở lại hòa bình và hòa bình thực sự, một nền hòa bình lâu dài và điều đó sẽ xảy ra. Tôi nghĩ cuộc bầu cử sắp tới sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Tôi được tôn trọng ở đó và có mối quan hệ tuyệt vời với rất nhiều người”, ông nhấn mạnh.
Ông nói rằng tương lai của Israel phụ thuộc vào thành công của ông. Phát biểu trước Hội đồng người Mỹ gốc Israel vào tháng 9, ông Trump tự coi mình là “người bảo vệ” của Israel, và nói rằng đất nước này sẽ không còn tồn tại nếu bà Harris thắng cử.
“Nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường hiện tại, với 4 năm cầm quyền của bà Harris, Israel sẽ phải đối mặt không chỉ với một cuộc tấn công, mà còn với sự hủy diệt hoàn toàn”, ông nói.
Về phần mình, bà Harris đã khẳng định liên minh lâu đời giữa Mỹ và Israel. Tròn một năm xung đột nổ ra, ngày 7/10, bà Harris và phu quân gốc Do Thái Doug Emhoff đã trồng một cây lựu tại dinh thự của Phó tổng thống, một biểu tượng cho sự tồn tại lâu dài của liên minh.
“Trong ngày đặc biệt này, tôi muốn tái khẳng định cam kết của mình rằng luôn đảm bảo Israel có những thứ cần thiết để tự vệ”, bà tuyên bố.
Ông Tom Nides - người đại diện cho chiến dịch tranh cử của bà Harris, đại sứ của Tổng thống Joe Biden tại Israel - cho biết sự ủng hộ của bà Harris sẽ giúp Israel dễ dàng đưa ra quyết định của riêng mình.
Mong muốn chấm dứt chiến tranh
Cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều không muốn xung đột tiếp diễn ở Gaza và mong muốn chiến tranh kết thúc nhanh chóng.
Bà Harris đã nêu ra viễn cảnh về sự kết thúc của chiến tranh theo hướng đồng cảm với các nạn nhân Palestine và Israel - nỗ lực thu hẹp sự chia rẽ trong đảng Dân chủ về cuộc chiến.
“Tôi đang nỗ lực để đảm bảo chiến tranh kết thúc. Theo đó, Israel được an toàn, các con tin được trả tự do, nỗi thống khổ ở Gaza sẽ chấm dứt và người dân Palestine có quyền được tôn trọng, tự do và quyền tự quyết của mình”, bà nói.
Trong nhiều tháng, ông Trump cũng nỗ lực kêu gọi chấm dứt chiến tranh ngay lập tức.
Hồi tháng 3, ông nói: “Phải kết thúc cuộc chiến và chấm dứt chiến tranh một cách nhanh chóng”.
Ông đã lặp lại lời kêu gọi này trong những tháng sau đó.
“Tôi đã thúc giục ông ấy kết thúc chuyện này”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo hồi tháng 8, nhắc đến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Trong khi chính sách Gaza của bà Harris tập trung vào việc tìm kiếm lệnh ngừng bắn, ông Trump đã coi việc chấm dứt chiến tranh là quyết định của Israel.
Chiến dịch của bà Harris cho biết Phó tổng thống Mỹ ủng hộ mục tiêu của Israel là làm suy yếu Hamas và Hezbollah. Và động thái thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza của bà diễn ra trong bối cảnh ông Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục chiến tranh. Bà Harris cũng bày tỏ sự cảm thông với hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương trong cuộc chiến, kêu gọi Israel cho phép nhiều viện trợ hơn vào Gaza.
“Israel phải khẩn trương hành động nhiều hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ cho những người đang cần. Cần bảo vệ người dân, để họ được tiếp cận với thực phẩm, nước uống và thuốc men. Cần phải tôn trọng luật nhân đạo quốc tế”, bà nhấn mạnh.
Về phần mình, ông Trump định hình cuộc chiến ở Trung Đông kết thúc theo hướng Israel giành chiến thắng, song ông không nêu chi tiết chiến thắng đó có thể mang lại điều gì.
Ủng hộ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran
Một trong những điểm khác biệt rõ nét nhất về chính sách đối ngoại giữa ông Trump và ông Joe Biden, bốn năm trước, liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Thỏa thuận này được ký kết vào năm 2015, khi ông Biden là phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama.
Thỏa thuận này hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt của Mỹ. Thủ tướng Israel Netanyahu đã chỉ trích thỏa thuận này. Dưới thời ông Trump, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Đến khi ông Biden lên nắm quyền, trong những tháng đầu tiên nhậm chức, ông đã tìm cách khôi phục lại thỏa thuận này.
Các chiến dịch của ông Trump và bà Harris đều không muốn tái gia nhập thỏa thuận vào thời điểm này.
Đầu tháng này, bà Harris đã gọi Iran là đối thủ chính rõ ràng của Mỹ.
“Tôi không nghĩ bất kỳ ai nghĩ rằng chúng tôi sẽ khôi phục JCPOA theo cách thỏa thuận này được xây dựng. Không phải ông Trump hay bà Harris”, ông Nides nói.
Ông Trump cho biết một trong những điều đáng tự hào nhất của ông khi làm tổng thống là rút khỏi JCPOA. Hiện tại, ông Trump nói rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận khác với Iran, song không cung cấp thông tin chi tiết.
“Chúng ta phải thực hiện một thỏa thuận, vì hậu quả là không thể xảy ra”, ông nói tại một cuộc họp báo vào tháng trước.