Theo chuyên gia Riccardo Alcaro, điều phối viên nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Quốc tế Italy (IAI), trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là sự leo thang giao tranh giữa Israel và Hezbollah ở Liban, câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của các nước phương Tây trong cuộc khủng hoảng này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), dường như chỉ là là những bên quan sát thụ động trong một sự kiện kéo dài hàng thập kỷ mà họ phải chịu trách nhiệm lớn trong việc hình thành và tiếp diễn.
Israel luôn khẳng định quyền tự vệ trước những đối thủ mà họ coi là mối đe dọa nghiêm trọng, bao gồm Hamas ở Palestine, Hezbollah ở Liban và Iran. Đây chắc chắn là những đối thủ không đội trời chung, nhưng cũng cần lưu ý rằng trong suốt nhiều thập kỷ, Israel đã không ngừng kích thích chủ nghĩa cực đoan của các đối thủ, gạt ra ngoài lề những tiếng nói ôn hòa và thực dụng. Thực tế, các nước phương Tây đã không dựng lên bất kỳ rào cản nào để ngăn chặn tình trạng này.
Chuyên gia Alcaro cho rằng, lịch sử của tiến trình hòa bình ở Trung Đông có thể nói là một chuỗi những thất bại. Một trong những mốc quan trọng là vụ thảm sát ở Hebron vào năm 1994, khi Baruch Goldstein, một người đàn ông gốc Israel, đã tấn công những tín đồ Hồi giáo đang cầu nguyện, giết chết 29 người và làm bị thương 125 người. Vụ việc này đã phơi bày những rạn nứt trong tiến trình hòa bình Oslo và khẳng định rằng luôn tồn tại những thế lực cực đoan sẵn sàng phá hoại mọi nỗ lực hòa bình.
Các đảng chính trị ở Israel, đặc biệt là đảng Likud, đã đóng vai trò quan trọng trong việc phản đối những nỗ lực xây dựng một nhà nước Palestine. Sự kiện ám sát Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin vào năm 1995 bởi một người cực đoan đã làm gia tăng thêm những rạn nứt này. Các cuộc bầu cử vào năm 2001 đã đưa Ariel Sharon, một nhân vật nổi tiếng với những chính sách cứng rắn, lên nắm quyền. Kể từ đó, triển vọng hòa bình càng trở nên xa vời khi Hamas phát động các cuộc tấn công cảm tử, dẫn đến cuộc biểu tình Intifada (chấm dứt sự chiếm đóng của Israel, xây dựng một nhà nước Palestine độc lập) lần thứ hai.
Intifada lần thứ hai không chỉ là một sự nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel mà còn tạo ra một khủng hoảng về tính hợp pháp cho người Palestine. Hamas, một lực lượng kháng chiến mà trước đây không được ủng hộ, giờ đây đã nổi lên như một biểu tượng của cuộc đấu tranh. Tuy nhiên, sự nổi lên này đã làm mất đi tính hợp pháp của Chính quyền Palestine. Điều này đã khiến nhiều chính phủ phương Tây nhìn nhận người Palestine như những "kẻ cực đoan", tạo điều kiện cho Israel viện dẫn quyền tự vệ.
Trước tình hình đó, Israel đã gần như kiểm soát hoàn toàn Dải Gaza, không chỉ về mặt quân sự mà còn về nguồn cung cấp nước, điện, và lương thực. Các hoạt động quân sự của Israel kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái đã dẫn đến cái chết của hàng chục nghìn người Palestine, trong khi số thương vong của người Israel lại không đáng kể. Chính quyền Israel cũng đã không ngừng mở rộng hoạt động quân sự vào Liban, dẫn đến hàng nghìn người khác thương vong và sự tàn phá nghiêm trọng.
Phương Tây, đặc biệt là Mỹ và châu Âu phần lớn chấp nhận câu chuyện của Israel rằng họ chỉ tự vệ. Nhờ ảnh hưởng to lớn của nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel, không một chính trị gia Hoa Kỳ nào có thể không tuyên bố ủng hộ hoàn toàn và vô điều kiện cho Israel nếu họ hy vọng theo đuổi sự nghiệp chính trị nổi bật, nếu không họ sẽ phải chịu sự cáo buộc là những người bài Do Thái.
Hầu hết các quốc gia EU đã tuân theo một cách không chút do dự. Khi làm như vậy, châu Âu đã từ bỏ hơn hai mươi năm ngoại giao hợp lý, tự chủ được khởi xướng bằng Tuyên bố Venice, lần đầu tiên ủng hộ quyền của Israel được sống trong an ninh và quyền tự quyết của người Palestine.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Các chính phủ phương Tây đã không chỉ chấp nhận mà còn biện minh cho các hoạt động mở rộng của Israel vào các vùng lãnh thổ của người Palestine, dẫn đến tình trạng bạo lực gia tăng và sự mất ổn định trong khu vực. Đặc biệt, tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái, trong khi Mỹ và châu Âu chủ yếu lên tiếng bảo vệ quyền tự vệ của Israel mà không nhắc đến sự tàn phá mà quân đội Israel đã gây ra cho Gaza.
Sự bất lực của phương Tây trong việc can thiệp và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Israel - Palestine không chỉ thể hiện qua những hành động cụ thể mà còn nằm trong cách mà họ đối xử với các vấn đề nhân đạo. Các chính phủ phương Tây dường như chỉ quan tâm đến việc ngăn chặn sự leo thang mà không giải quyết tận gốc các vấn đề đã gây ra cuộc xung đột này.
Dù Mỹ và EU đã xác định rằng mục tiêu chính của họ là ngừng bắn ở Gaza, giải thoát các con tin và ngăn chặn leo thang trong khu vực. Họ cũng từ lâu đã ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine và tuyên bố rằng các hoạt động định cư của Israel là trở ngại cho hòa bình. Nhưng Israel không chỉ phớt lờ lời kêu gọi của họ mà còn làm suy yếu chúng.
Có thể nói, gốc rễ của sự bất lực này nằm ở việc phương Tây đã chấp nhận câu chuyện đơn giản về quyền tự vệ của Israel mà không nhìn nhận đúng đắn về thực trạng của người Palestine. Do đó, phương Tây giờ đây chỉ có thể hy vọng rằng Hezbollah và Iran sẽ kiềm chế bản thân nhiều hơn Israel, để tránh rủi ro - ít nhất là đối với Mỹ - bị lôi kéo vào một cuộc chiến mà họ không mong muốn.