Bình luận với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây, Huseyin Ozdemir, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu thế giới TRT có trụ sở tại Istanbul, cho rằng khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trình bày "kế hoạch chiến thắng" của mình tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Mỹ, giao tranh ở các mặt trận trong cuộc chiến giữa Kiev và Moskva vẫn không ngừng leo thang.
Kế hoạch này, phác thảo con đường hướng tới hòa bình của Tổng thống Zelensky, được công bố trong bối cảnh các hành động quân sự đang diễn ra và sự thay đổi trong bối cảnh quốc tế. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu sáng kiến này của ông Zelensky có phải là một bước tiến thực sự hướng tới hòa bình hay chỉ đơn giản là một động thái chiến lược nhằm duy trì sự ủng hộ của phương Tây trong khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
Mặc dù các chi tiết đầy đủ của "kế hoạch chiến thắng" chưa được tiết lộ chính thức, nhưng các nguồn tin cho rằng nó bao gồm những yếu tố quan trọng: đảm bảo an ninh giống như NATO cho Ukraine, hỗ trợ quân sự tiên tiến từ các đồng minh phương Tây, và viện trợ tài chính quốc tế để tái thiết đất nước bị xung đột tàn phá. Một số quan chức Mỹ đã bày tỏ sự hoài nghi, cho rằng kế hoạch này có thể mang tính biểu tượng hơn là một thay đổi chiến lược toàn diện.
Việc trình bày kế hoạch cho nhiều bên liên quan khác nhau ở Mỹ cho thấy Tổng thống Zelensky muốn đảm bảo sự ủng hộ từ cả hai đảng ở Mỹ, đặc biệt trước cuộc bầu cử năm 2024. Tuy nhiên, sự thay đổi trong cảm nhận của công chúng ở cả Ukraine và Mỹ đã dấy lên nghi ngờ về sự ủng hộ chính trị lâu dài cho chiến lược của ông.
Kế hoạch của Tổng thống Zelensky thể hiện sự cân bằng tinh tế giữa hành động quân sự và ngoại giao. Cuộc tấn công vào khu vực Kursk ở Nga và các chiến dịch bằng thiết bị bay không người lái (UAV) nhằm vào sâu trong lãnh thổ Nga không chỉ là các động thái chiến thuật; chúng còn là một phần của chiến lược rộng hơn nhằm giành lợi thế tại bàn đàm phán. Bằng cách chứng minh khả năng phục hồi và tấn công của Ukraine, ông Zelensky không chỉ mong muốn củng cố tinh thần quốc gia mà còn buộc Nga phải tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm túc từ một vị thế yếu thế.
Tuy nhiên, cách tiếp cận kết hợp leo thang quân sự với ngoại giao đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng hai bên có thể cùng nhượng bộ. Nhiều người chỉ trích cho rằng việc tăng cường các cuộc tấn công có thể cản trở các cuộc đàm phán. Các đồng minh phương Tây, đặc biệt là chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, tỏ ra thận trọng trước nguy cơ xung đột lan rộng có thể kích động Nga và kéo NATO vào cuộc xung đột. Sự lo ngại này được thể hiện rõ ràng trong sự do dự của Mỹ trong việc cung cấp các tên lửa tầm xa như ATACM, vì có thể dẫn đến phản ứng không lường trước từ Moskva.
Bên cạnh đó, việc Tổng thống Zelensky tiếp cận các ứng cử viên tổng thống Mỹ như Kamala Harris và Donald Trump cho thấy rõ ràng cuộc chiến này gắn liền với động lực chính trị ở Mỹ. Mỹ là nguồn viện trợ quân sự chính của Ukraine, do đó, duy trì sự ủng hộ lưỡng đảng không chỉ quan trọng mà còn thiết yếu cho Ukraine. Ông Zelensky hiểu rằng việc đảm bảo các mục tiêu của Ukraine vẫn được ưu tiên trong mọi chính sách đảng phái là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh chia rẽ chính trị sâu sắc trong cuộc bầu cử năm 2024.
Ngoài ra, cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Ukraine đã làm phức tạp thêm bối cảnh ngoại giao. Phía Nga đã từ chối tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình thứ hai, cho thấy rằng hoà bình vẫn còn xa vời. Kế hoạch hòa bình sẽ chỉ thành công nếu cả Ukraine và Nga cam kết đối thoại thực sự, điều này hiện là một viễn cảnh khó khăn.
Do đó, khi cuộc xung đột kéo dài, các nhà lãnh đạo toàn cầu phải đặt ngoại giao lên hàng đầu - không chỉ để đảm bảo tương lai của Ukraine mà còn để ổn định trật tự quốc tế rộng lớn hơn đang gặp rủi ro. Mặc dù vẫn còn thời gian cho các nỗ lực ngoại giao có ý nghĩa, nhưng một bên trung gian đáng tin cậy là điều cần thiết để đưa các bên đối lập vào bàn đàm phán.