Theo tờ Korea Times, Đô đốc Samuel Paparo, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã ám chỉ rằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể được cân nhắc là lựa chọn tương lai cho Hàn Quốc.
Mặc dù diễn biến mới nhất này có thể thúc đẩy Seoul sở hữu vũ khí hạt nhân, song một số chuyên gia quân sự vẫn hoài nghi rằng liệu việc đưa tàu ngầm hạt nhân vào Hàn Quốc có phải là một ý tưởng khả thi hay không, do những rào cản về tài chính và ngoại giao liên quan.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn các phóng viên Hàn Quốc tại Căn cứ Không quân Hickam ở Hawaii, Đô đốc Paparo tuyên bố: “Theo quan điểm của chiến tranh tàu ngầm, điều quan trọng là các đồng minh và đối tác phải tìm ra những cách thức hiệu quả nhất để kết hợp các năng lực nhằm bảo vệ các liên minh và quan hệ đối tác của chúng ta”.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã công bố toàn bộ cuộc trả lời phỏng vấn của ông Paparo khi được yêu cầu bình luận về việc nội bộ Hàn Quốc yêu cầu sở hữu vũ khí hạt nhân riêng, bao gồm cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ông nói: “Nếu phân tích hành động dẫn đến kết luận này, chúng ta có thể cân nhắc tiến hành động thái này vào thời điểm sau đó. Chúng ta nên tiếp cận vấn đề một cách bình đẳng và phát triển theo cách đó”.
Ông Cheong Seong Chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong coi đây là sự thay đổi tinh tế trong lập trường của Washing về việc Seoul sở hữu vũ khí hạt nhân.
“Cho đến nay, Mỹ vẫn kiên quyết phản đối việc Hàn Quốc sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Đây là lần đầu tiên một quan chức quân sự chủ chốt công khai thể hiện lập trường tích cực về vấn đề này”, ông Cheong bình luận.
Chuyên gia này cho rằng phát biểu của ông Paparo có thể báo hiệu rằng các quan chức Mỹ có thể bắt đầu nhận ra những lợi ích chiến lược tiềm tàng của việc Hàn Quốc sở hữu tàu ngầm hạt nhân.
“Theo quan điểm của Mỹ, việc đưa tàu ngầm hạt nhân vào hoạt động ở Hàn Quốc không chỉ đóng vai trò đối trọng với các mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên có thể nhắm vào lục địa Mỹ, mà còn từ năng lực hải quân đang mở rộng của Trung Quốc”, ông Cheong cho biết.
Kể từ khi Triều Tiên tuyên bố hạ thủy tàu ngầm hoạt động đầu tiên, được cho có khả năng phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, vào tháng 9/2023, đã có nhiều lời kêu gọi Hàn Quốc tăng cường năng lực hải quân, bao gồm cả các lựa chọn hạt nhân.
“Hàn Quốc không thể chỉ dựa vào tàu sân bay để ngăn chặn các mối đe dọa tàu ngầm của Triều Tiên. Và tàu ngầm diesel thông thường không thể chống lại chúng một cách hiệu quả. Do đó, tàu ngầm hạt nhân, với tốc độ cao hơn và khả năng tàng hình được cải thiện, là rất cần thiết”, ông Cheong nhấn mạnh.
Mặt khác, chuyên gia quân sự Kim Dae-young đã bác bỏ tuyên bố cho rằng phát biểu của ông Paparo chỉ để xoa dịu những lời kêu gọi ngày càng tăng ở Hàn Quốc về việc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông Kim cho rằng Mỹ khó có thể thay đổi lập trường cơ bản của mình. Đồng thời, vị chuyên gia này cho hay những bình luận của ông Paparo về “phân tích hành động" cho thấy Mỹ không muốn cam kết thực hiện một quan hệ đối tác hạt nhân khác, sau thoả thuận với Australia.
Theo quan hệ đối tác an ninh AUKUS được ký kết hồi năm 2021, Mỹ sẽ bán cho Australia từ 3 đến 5 tàu ngầm tấn công lớp Virginia bắt đầu từ những năm 2030.
AUKUS là quan hệ đối tác an ninh ba bên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa Mỹ, Vương quốc Anh và Australia.
Trong hội nghị thượng đỉnh an ninh Đối thoại Shangri-La tại Singapore hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bày tỏ hoài nghi về việc Washington hỗ trợ Seoul mua tàu ngầm hạt nhân, tuyên bố rằng sẽ “rất, rất khó” để Mỹ ủng hộ sáng kiến hạt nhân khác tương tự như sáng kiến của Australia.
Chuyên gia quân sự Kim cũng chỉ ra rằng Hải quân Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với chi phí đáng kể để mua một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, ước tính tối thiểu là 2 nghìn tỷ won (khoảng 1,44 tỷ USD) cho mỗi chiếc tàu ngầm.
Ông lập luận rằng số tiền khổng lồ này có thể được chi tiêu tốt hơn để tăng cường các năng lực quân sự khác.
“Thêm vào đó, Hải quân Hàn Quốc, vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân sự, sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc tuyển dụng và đào tạo các thủy thủ có trình độ hạt nhân”, ông nói thêm.
Những phát biểu của ông Paparo được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các chính trị gia bảo thủ ủng hộ Hàn Quốc theo đuổi vũ khí hạt nhân một cách độc lập. Tuần trước, đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã ra mắt Diễn đàn Mugunghwa một nhóm gồm khoảng 20 nhà lập pháp ủng hộ Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Diễn đàn này do nhà lập pháp Yu Yong-weon, một cựu chuyên gia quân sự, chủ trì cùng nhiều nhân vật nổi bật khác.