Theo tờ Newsweek (Mỹ), Afghanistan không mang vị trí địa chiến lược tối quan trọng với Trung Quốc. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc tập trung vào hình thành và duy trì tương tác kinh tế, hợp tác thương mại thay vì thiết lập hiện diện tại Afghanistan.
Trung Quốc chưa hề hỗ trợ nhiều về quân sự hoặc đầu tư kinh tế vào Afghanistan trong 2 thập niên gần đây. Tuy nhiên, sự ổn định của đất nước Trung Á này và các biện pháp chống khủng bố có thể đem lại lợi ích cho Trung Quốc. Afghanistan với trữ lượng khoáng sản hàng trị giá hàng nghìn tỷ USD cũng khiến Trung Quốc quan tâm để đưa quốc gia này vào các dự án Vành đai, Con đường.
Bắc Kinh hiện tìm cách tăng cường hiện diện chính trị và kinh tế tại Afghanistan không kèm theo việc phải triển khai binh sĩ trên bộ. Nhưng sau khi Mỹ rút quân, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với bất ổn ở khu vực biên giới với Afghanistan.
Ngày 14/4, Tổng thống Biden tuyên bố quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan. Hàng nghìn binh sĩ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã rục rịch rời quốc gia này.
Trước tình hình đó, Bắc Kinh sẽ tìm kiếm một đảm bảo từ Taliban và chính phủ Afghanistan để chắc chắn lợi ích quốc gia của Trung Quốc không bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, ngoài việc thiết lập thêm căn cứ an ninh tại khu vực biên giới với Tajikistan và Afghanistan, Bắc Kinh cũng cần xem xét củng cố trung tâm huấn luyện quân sự tại hành lang Wakhan ở Đông Bắc Afghanistan.
Trung Quốc cũng không muốn viễn cảnh Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nga tăng cường hiện diện an ninh tại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân. Ngoài ra, việc Mỹ rút quân cũng gây rủi ro bùng phát nội chiến tại Afghanistan ảnh hưởng tới các dự án Vành đai, Con đường và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Trước khả năng này, Bắc Kinh có thể cân nhắc việc hợp tác với Pakistan để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Việc hiện diện quân sự tại Afghanistan có thể rất tốn kém do vậy nhiều chính khách Trung Quốc có thể không ủng hộ đề xuất này. Các chuyên gia nhận định, về mặt ngắn hạn, Trung Quốc vẫn chưa xem xét việc thay thế Mỹ tại Afghanistan.