Tăng trưởng thấp, nợ cao và các cuộc xung đột leo thang là những vấn đề chính trong chương trình nghị sự tại các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), song gần đây, các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu đã dành phần lớn thời gian suy nghĩ, lo lắng về những tác động tiềm tàng từ việc cựu Tổng thống Donald Trump có thể trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.
Dẫn hãng tin nước ngoài, trang Yahoo News đưa tin ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump đã rút ngắn được khoảng cách và xoả nhoà lợi thế ban đầu của của ứng viên đảng Dân chủ Phó Tổng thống Kamala Harris trong các cuộc thăm dò gần đây. Đây cũng là một phần chủ đề trong hầu hết mọi cuộc trò chuyện giữa các quan chức tài chính, các chủ ngân hàng trung ương và các nhóm xã hội dân sự tham dự các cuộc họp tại Washington vào tuần trước.
Những nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu này lo ngại khả năng ông Trump quay lại Nhà Trắng sẽ làm đảo lộn hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách tăng thuế quan mạnh mẽ, phát hành thêm hàng nghìn tỷ USD nợ và đảo ngược nỗ lực chống biến đổi khí hậu khi ủng hộ sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn.
Trong một tuyên bố, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda cho biết: "Mọi người dường như lo lắng khi không hoàn toàn chắc chắn về việc ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo và những chính sách nào sẽ được thực hiện dưới thời tổng thống mới".
Trong khi đó, một chủ ngân hàng trung ương khác giấu tên đã mô tả lo ngại một cách thẳng thắn hơn: "Người ta bắt đầu cảm thấy ông Trump sẽ giành chiến thắng".
Trong chiến dịch tranh cử, cựu Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và 60% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, có khả năng gây ra các phản ứng trả đũa và làm tăng chi phí.
Trả lời phỏng vấn ngày 25/10, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner chỉ ra nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xảy ra, các bên sẽ đều là người thua cuộc.
Để thu hút các cử tri Mỹ, ông Trump cũng đưa ra nhiều đề xuất ưu đãi giảm thuế, từ việc gia hạn tất cả các khoản cắt giảm thuế cá nhân năm 2017 đến miễn thu nhập từ tiền boa, tiền làm thêm giờ và trợ cấp hưu trí An sinh xã hội. Các nhà phân tích ngân sách cho biết điều này sẽ làm tăng nợ Mỹ thêm ít nhất 7.500 USD trong 10 năm, ngoài mức tăng trưởng nợ 22.000 tỷ USD mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính trước đó cho đến năm 2034.
Ngược lại, chiến thắng của nữ Phó Tổng thống Harris được các nhà lãnh đạo kinh tế coi là sự tiếp nối việc Tổng thống Joe Biden tái tham gia hợp tác đa phương trong bốn năm qua về khí hậu, thuế doanh nghiệp, xóa nợ và cải cách ngân hàng phát triển. Các kế hoạch của bà cũng có khả năng làm tăng nợ, nhưng ít hơn nhiều so với chính sách của ông Trump.
Cụ thể, Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên mức thuế trước đây của người tiền nhiệm Trump đối với hàng nhập khẩu thép, nhôm và hàng hóa Trung Quốc, còn tăng mạnh đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp mới như xe điện và năng lượng mặt trời. Về phần mình, bà Harris ủng hộ cách tiếp cận "có mục tiêu" này và chỉ trích các kế hoạch thuế quan của ông Trump.
Thị trường đặt cược vào ông Trump
Thị trường tài chính đang chứng kiến sự trở lại của "giao dịch Trump" trong các tài sản từ cổ phiếu, bitcoin đến đồng peso của Mexico. Đây là những giao dịch đặt cược thu lợi trong trường hợp ông Trump tái đắc cử trong bối cảnh số liệu thăm dò của ông đã được cải thiện.
Đồng USD đã đạt mức tăng hàng tháng lớn nhất trong hơn hai năm rưỡi, với chỉ số đo lường đồng bạc xanh so với các loại tiền tệ chính tăng 3,6% trong tháng 10 cho đến nay. Nhà phân tích Steve Englander của Standard Chartered cho rằng 60% động thái tăng giá của đồng USD là do triển vọng cải thiện của ông Trump trên thị trường cá cược.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Brazil Roberto Campos Neto cho biết các khoản cược thị trường ủng hộ ông Trump đã có tác động lạm phát đến lãi suất tương lai dài hạn trong nền kinh tế nhạy cảm với đồng USD, đồng thời nói thêm cả kế hoạch tài khóa của hai ứng viên Trump và Harris đều có yếu tố lạm phát.
Những lo ngại về việc ông Trump thay đổi hoàn toàn về thương mại và chi tiêu xuất hiện khi IMF tuyên bố rằng cuộc chiến toàn cầu chống lạm phát phần lớn đã giành chiến thắng mà không có tình trạng mất việc làm lớn. Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi các nhà hoạch định chính sách bắt đầu thu hẹp số nợ khổng lồ do COVID gây ra, hoặc nếu không phải đối mặt với tương lai tăng trưởng thấp khiến người dân ngày càng bất mãn.
Thách thức mới nổi
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm thường báo hiệu một tín hiệu lạc quan cho tăng trưởng của thị trường mới nổi khi các điều kiện tài chính và áp lực lạm phát tiền tệ giảm bớt. Nhưng thực trạng thâm hụt lớn hơn của Mỹ dưới thời tổng thống Trump đã khiến một số người lo ngại rằng bữa tiệc có thể kết thúc nhanh chóng.
"Thâm hụt lớn hơn có nghĩa là nợ tăng, nợ tăng có nghĩa là lãi suất dài hạn cao hơn và điều đó cũng có thể có nghĩa là đồng USD mạnh. Lãi suất dài hạn cao ở Mỹ và đồng USD mạnh không phải tín hiệu tốt cho các thị trường mới nổi", Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek phát biểu trong một sự kiện bên lề cuộc họp.
Ngoài ra, mối lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu làm đình trệ và giảm bớt áp lực lạm phát đang lan rộng. "Nếu một quốc gia áp thuế, thì chúng ta không thể kết luận là các quốc gia khác cũng phản ứng như vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp các quốc gia khác cũng áp thuế theo, thì do đó, giá cả tăng cao, tquá trình giảm phát có thể trở thành thách thức đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới", Lesetja Kganyago, Thống đốc ngân hàng trung ương Nam Phi, lý giải.