Văn phòng thống kê Eurostat của Liên minh châu Âu (EU) ngày 3/6 công bố tỷ lệ thất nghiệp ở lục địa già đạt mức 6,6% trong tháng 4, tăng so với mức 6,4% của tháng 3. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 3 là 14,7%.
Kênh CNN (Mỹ) đánh giá tỷ lệ thất nghiệp này không đồng đều ở các quốc gia châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha đã tăng và ghi nhận ở mức 14,8% trong khi tháng trước đó là 14,2%. Còn Đức lại ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định 3,5%.
Dữ liệu này cho thấy châu Âu đã kiểm soát được tỷ lệ thất nghiệp trong khi đối đầu với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Ủy ban châu Âu (EC) dự đoán rằng GDP của 19 quốc gia sử dụng đồng euro sẽ giảm 7,75% trong năm 2020.
Các nhà kinh tế học nhận định điều này dựa trên các chương trình việc làm ngắn hạn tại châu Âu, vốn khuyến khích những công ty gặp khó khăn vẫn duy trì lượng lao động, không sa thải họ nhưng giảm giờ làm việc. Chính phủ sẽ trợ cấp tiền lương cho các lao động này. Một ví dụ là tại Đức, chính phủ chịu trách nhiệm cho 60-67% tiền công đối với những giờ lao động không làm việc.
Nhà kinh tế học Bert Colijn tại ngân hàng Hà Lan ING vào ngày 3/6 chia sẻ: “Chương trình làm việc ngắn hạn vô cùng hiệu quả trong giảm thiểu tác động đến khủng hoảng kinh tế”.
Chương trình tương tự như làm việc ngắn hạn khá phổ biến tại châu Âu, nơi tuyển dụng và sa thải nhân viên không phải là điều dễ dàng và nhiều nhân sự còn được bảo vệ bởi thỏa ước lao động tập thể.
Theo Viện Liên đoàn Thương mại châu Âu, đến cuối tháng 4, các doanh nghiệp tại liên minh châu Âu chỉ đệ trình 42 triệu đơn hỗ trợ người lao động qua chương trình làm việc ngắn hạn.
Vậy nhưng, nhà kinh tế học Anna Titareva tại ngân hàng UBS cho biết các nghiên cứu thị trường lao động có thể không bao quát được toàn bộ những tổn hại với người lao động châu Âu. Bà Titareva nói: “Dường như một số người mất việc làm không được tính là thất nghiệp”.
Để được coi là thất nghiệp trong nghiên cứu của EU, cá nhân được xét phải tìm việc và sẵn sàng làm việc mới trong 2 tuần. Hạn chế về di chuyển do COVID-19 và việc phải chăm sóc con cái khi trường học chưa mở cửa trở lại khiến nhiều người buộc phải tạm dừng tìm việc.
Đại dịch COVID-19 đã đánh gục nền kinh tế châu Âu đúng thời điểm khu vực này đang đón nhận các tín hiệu khởi sắc hồi đầu năm 2020. Tuy nhiên, sau khi tâm bão COVID-19 đi qua, EU đang tính cách vực dậy nền kinh tế của mình, với nhiều gói kích cầu, chương trình kinh tế được đang được lên kế hoach.
Hôm 27/5 vừa qua, EU đã công bố một gói kích thích tài chính mới với tổng trị giá lên tới 750 tỷ euro (khoảng 823 tỷ USD), trong một nỗ lực chưa từng có tiền lệ nhằm giúp các nước thành viên vượt qua cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng nhất kể từ năm 1930 tới nay do dịch bệnh COVID-19 gây ra.