Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ nước biển tăng lên gần mức kỷ lục ở Đại Tây Dương và nhiều khu vực khác trên thế giới, khiến mùa bão năm nay hoạt động mạnh hơn bình thường, với nhiều trận bão lớn, gọi là siêu bão hoành hành ở khắp các châu lục. Cuối tháng 8 đầu tháng 9, siêu bão Yagi đổ bộ vào Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, gây mưa lớn và lũ lụt tại nhiều nước, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Riêng số nạn nhân thiệt mạng do lũ lụt hậu siêu bão Yagi ở Myanmar lên tới gần 400 người.
Siêu bão Helene đổ vào nước Mỹ cuối tháng 9 khiến hơn 200 người thiệt mạng. Đây là cơn bão gây chết chóc nhất tấn công vào đất liền Mỹ kể từ bão Katrina năm 2005. Ngay tiếp đó là siêu bão Milton tàn phá nhiều bang của Mỹ. Còn khu vực Trung Âu hứng chịu mưa lớn kéo dài gây lũ lụt nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài những cơn bão, mưa lũ dồn dập, hiện tượng nắng nóng cực đoan cũng là một trong những thách thức lớn trên toàn cầu. Liên tiếp những tháng Hè vừa qua, nhiều nơi trên thế giới ghi nhận nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương cũng đều ở mức cao nhất mọi thời đại, gây những hậu quả khắc nghiệt…
Ngày quốc tế giảm thiểu rủi ro thiên tai (13/10) năm nay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc bảo vệ và trao quyền cho thanh thiếu niên hướng tới một tương lai an toàn. Ông nhấn mạnh khi thiên tai xảy ra, không một ai được an toàn, nhưng trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương. Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới có nguy cơ cực kỳ cao trở thành nạn nhân của thiên tai. Năm 2022, số trẻ em bị ảnh hưởng lũ lụt ở Chad, Gambia, Pakistan và Bangladesh là cao nhất trong hơn 3 thập niên. Mới nhất là cơn bão Yagi, thống kê của UNICEF cho biết lũ lụt và lở đất nghiêm trọng do bão đã ảnh hưởng đến gần 6 triệu trẻ em tại khu vực Đông Nam Á. Sau bão, trẻ em gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và nơi trú ẩn.
Tuy nhiên, UNICEF khẳng định các em không chỉ là nạn nhân của thảm họa, mà còn đóng vai trò rất lớn trong tương lai, đưa ra những ý tưởng và sáng kiến có thể giúp giảm thiểu rủi ro và xây dựng khả năng phục hồi. Cũng chính vì lẽ đó, chủ đề của Ngày quốc tế giảm thiểu rủi ro thiên tai năm nay là “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”, kêu gọi các nước phát huy lĩnh vực giáo dục để giảm thiểu rủi ro thiên tai cho trẻ em trong độ tuổi đi học.
Trên thực tế, thế hệ trẻ có thể tham gia tích cực vào các quá trình ra quyết định định hình tương lai của các em. Tại Colombia, Mạng lưới Thanh niên giảm thiểu rủi ro thiên tai (RJRRD-COL), được thành lập vào tháng 2/2022, lấy ý tưởng từ 3 thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết, đã thu hút ngày càng nhiều thanh niên tham gia vào công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai thông qua đóng góp các ý tưởng và giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai.
Bằng cách đề cao tiếng nói và hiểu biết của thanh niên, mạng lưới này đã thúc đẩy văn hóa an toàn và khả năng phục hồi, phù hợp với các mục tiêu toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường sự chuẩn bị của cộng đồng. Thông qua sáng kiến này, RJRRD-COL đã trao quyền cho thanh thiếu niên đóng vai trò tích cực trong việc định hình các chiến lược quản lý rủi ro thiên tai, đảm bảo rằng quan điểm của giới trẻ được lắng nghe và coi trọng.
Tại Gruzia, để chuẩn bị cho Ngày quốc tế giảm thiểu rủi ro thiên tai 2024, những người trẻ tuổi từ các địa phương trên cả nước đã cùng nhau thảo luận về vai trò của họ trong việc tạo ra một tương lai thông minh về khí hậu. Sự kiện do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Trung tâm Thông tin và Giáo dục môi trường thuộc Bộ Bảo vệ môi trường và Nông nghiệp Gruzia tổ chức và được Quỹ khí hậu xanh, Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida) và Cơ quan Phát triển và hợp tác Thụy Sĩ (SDC) tài trợ.
Các cuộc thảo luận tập trung vào khuyến khích các phong trào của thanh thiếu niên hành động vì khí hậu tại Gruzia và cách những người trẻ tuyên truyền về sự cấp thiết phải hành động vì khí hậu. Các “đại sứ khí hậu trẻ” đã trình bày những sáng kiến khí hậu, tập trung vào giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức và khuyến khích thay đổi hành vi. Các dự án địa phương này đã tạo ra sự khác biệt bằng cách thu hút cộng đồng và thúc đẩy ý thức trách nhiệm lớn hơn đối với khí hậu.
Tại Việt Nam, nhiều hoạt động thiết thực và giáo dục thế hệ trẻ về phòng, chống thiên tai đã được tổ chức. Chuỗi hoạt động gồm nhiều sự kiện đa dạng như Cuộc thi sáng tác tranh “Góc nhìn trước thiên tai”, vẽ tranh tường “Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu”, Cuộc thi Rung chuông Vàng “Cùng em phòng chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững”, cũng như khóa tập huấn “Hướng dẫn tổ chức hoạt động ngoại khóa về chủ đề phòng, chống thiên tai trong trường học”, tập huấn Kiến thức cơ bản về phòng chống thiên tai và sơ cấp cứu khi bị thương cho học sinh khối trung học phổ thông...
Chủ đề Ngày quốc tế giảm thiểu rủi ro thiên tai năm nay nhấn mạnh đến trách nhiệm và vai trò của thế hệ trẻ đối với công tác phòng, chống thiên tai. Thế hệ trẻ cần có ý thức, kỹ năng và kiến thức cơ bản nhất để đảm bảo an toàn, có thể tự thoát ra khỏi nguy hiểm trong tình huống thiên tai. Khi có thể tự bảo vệ mình, thế hệ trẻ tiếp tục học tập, trưởng thành hơn để hỗ trợ những người xung quanh, gia đình và rộng ra là cộng đồng. Bên cạnh đó, việc trao quyền cho thế hệ trẻ trong phòng chống thiên tai cũng là để đảm bảo rằng không có nhóm yếu thế nào, kể cả trẻ em, phải đơn độc đối mặt với thách thức khí hậu và mối đe dọa từ thiên tai.
Thế hệ trẻ không chỉ là tương lai của hành tinh mà còn là những người tạo ra thay đổi ngày hôm nay, thúc đẩy các hành động tại địa phương mình nhằm xây dựng khả năng phục hồi sau thảm họa và giảm thiểu rủi ro. Trao quyền cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thông qua giáo dục, đưa trẻ em trở thành trung tâm trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, có thể giúp các em tự bảo vệ mình và trở thành tác nhân thay đổi trong gia đình và cộng đồng bằng cách chia sẻ những gì mình học được.
Từ nhận thức đến hành động, những người trẻ tuổi luôn dẫn đầu trong các sáng kiến cũng như là lực lượng góp sức đáng kể vào việc ứng phó và giảm nhẹ thảm họa. Trao quyền cho thế hệ trẻ, tạo ra một thế hệ chủ động và sẵn sàng phòng chống rủi ro thiên tai, chính là tạo nền tảng vững chắc từ hôm nay để góp phần xây dựng xã hội an toàn trong tương lai.