Tạp chí "Chính sách Đối ngoại" (Mỹ) nhận định mặc dù thế giới đang chứng kiến hàng chục cuộc xung đột ác liệt, từ các thung lũng của Ápganixtan đến các đường phố của Kashmir, nhưng xung đột có thể nổ ra nhiều hơn ở các nước và các khu vực trên thế giới. Dưới đây là một số điểm nóng có thể nổ ra xung đột trong năm 2011:
1. Tình hình tại Cốt Đivoa có thể rất xấu trong năm 2011. Sau 5 năm trì hoãn, Cốt Đivoa đã tổ chức cuộc bầu cử tổng thống ngày 31/10/2010. Vòng bầu cử đầu diễn ra suôn sẻ, nhưng vòng bầu cử lại giữa Tổng thống đương nhiệm Laurent Gbagbo và cựu Thủ tướng Alassane Ouattara bất thành do xung đột và gian lận bầu cử giữa hai phe.
Cộng đồng quốc tế đã công nhận ứng cử viên Outtara thắng cử, nhưng đương kim Tổng thống Gbagbo vẫn tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức với sự ủng hộ của các quan chức quân sự cao cấp và Hội đồng Hiến pháp.
Căng thẳng ngày càng gia tăng và các cuộc biểu tình liên tục diễn ra trên các đường phố. Hai ông Gbagbo và Ouattara đều có lực lượng vũ trang riêng và sẵn sàng tham chiến lâu dài.
2. Thoạt đầu, ai cũng nghĩ triển vọng của Côlômbia trong năm 2011 là khá sáng sủa khi tân Tổng thống Juan Manuel Santos đưa ra những đề nghị cải cách, trong đó có đề nghị giải quyết triệt để cuộc xung đột kéo dài 46 năm qua với nhóm du kích Lực lượng Vũ trang Cách mạng Côlômbia (FARC).
Ông Santos tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Vênêxuêla và Êcuađo, cam kết bảo vệ những người ủng hộ nhân quyền và tái định cư 4 triệu người hiện không có nhà cửa. Tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện thêm nhiều nhóm vũ trang bất hợp pháp, chiếm lĩnh thị trường buôn bán ma túy. Nếu không ngăn chặn các nhóm vũ trang mới này, Côlômbia sẽ lâm vào cuộc chiến lâu dài.
3. Bước vào năm 2011, tinh thần "hòa giải" giữa phe của Tổng thống Robert Mugabe và phe đối lập của Thủ tướng Morgan Tsvangirai trong chính phủ "đoàn kết" của Dimbabuê sẽ ngày càng mất đi. Điểm nhấn trong năm tới sẽ là các cuộc bầu cử.
Cả hai nhân vật này đều muốn tổ chức bầu cử, nhưng không nhất trí cách thức bầu cử. Cuộc tranh cãi về bầu cử đã đẩy cuộc ngừng bắn trên danh nghĩa kéo dài 2 năm qua giữa ông Mugabe và Tsvangirai tới bờ vực sụp đổ.
4. Tình hình Irắc hiện nay tốt hơn năm 2007, nhưng còn lâu mới hoàn toàn ổn định. Hiện nay, không chỉ các chiến binh mà cả sự cạnh tranh giữa các chính đảng đang tạo ra mối đe dọa rất lớn cho đất nước.
Tân chính phủ Irắc còn yếu kém, thiếu nhiều định chế để quản lý đất nước hiệu quả, đội ngũ công chức chưa có kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh... Tình trạng bạo lực giữa các phe phái tiếp tục phát triển và còn lâu mới chấm dứt.
Hàng ngàn người dân đã xuống đường ở thủ đô Khartoum bầy tỏ mong muốn hai miền thống nhất và hòa bình cho Xuđăng ngày 4/1. |
5. Số phận của Xuđăng trong năm 2011 sẽ được quyết định sớm khi cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của miền nam được thực hiện ngày 9/1 và có khả năng khu vực phía nam sẽ giành độc lập.
Cuộc chiến tranh kéo dài 2 thập kỷ của nước này chấm dứt năm 2005 bằng Thỏa thuận Hòa bình Toàn diện (CPA). Tuy đạt được trưng cầu ý dân, nhưng nếu cuộc trưng cầu diễn ra không thuận lợi, một cuộc xung đột mới giữa hai miền nam và bắc có thể nổ ra và tình trạng bạo lực sẽ phát triển ở Darfur.
6. Tổng thống Mêhicô Felipe Calderón đã tuyên chiến với các băng đảng ma túy ở nước này trong 4 năm qua. Năm 2010, bạo lực đã lan đến các trung tâm văn hóa và kinh tế của Mêhicô mà trước đây được coi là các thánh địa không hề có ma túy.
Đến nay, mặc dù được Mỹ viện trợ hàng năm khoảng 400 triệu USD và nhiều khoản viện trợ quân sự khác, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Mêhicô sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến chống ma túy đầy cam go này.
7. Do sức ép của Mêhicô, các tập đoàn buôn lậu ma túy khét tiếng nhất đang tìm kiếm các vùng đất mới, trong đó có lãnh thổ của Goatêmala - nơi có nhà nước yếu kém và các tổ chức lỏng lẻo. Kịch bản xấu nhất trong năm 2011 là Goatêmala trở thành nơi diễn ra cuộc chiến tranh tiêu hao giữa các băng đảng khác nhau nhằm giành quyền kiểm soát các tuyến đường buôn lậu ma túy đến Mỹ.
8. Haiti, đất nước nghèo nhất Tây bán cầu, bắt đầu năm 2010 bằng một trận động đất gây thiệt hại nghiêm trọng và làm hơn 300.000 người thiệt mạng, dịch tả bùng nổ, tiến trình tái thiết chậm chạp và còn rất nhiều khó khăn khác nữa.
Cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/11/2010 vẫn chưa có kết quả cuối cùng do gian lận bầu cử. Người thắng cử sẽ không được xác định cho đến khi kết thúc vòng bầu cử lại trong tháng 1/2011, nhưng nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra nhằm phản đối việc một số ứng cử viên không được tham gia vòng bầu cử thứ hai. Tình trạng bất ổn này sẽ tạo nên thách thức lớn khi một chính phủ mới lên nắm quyền trong năm 2011.
Ngoài những điểm nóng trên, một số nước khác như: Tátgikixtan, Pakixtan, Xômali, Libăng, Nigiêria, Ghinê và Cộng hòa Dân chủ Cônggô cũng đang đứng trước nguy cơ rất lớn của xung đột trong năm 2011, trừ phi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực kịp thời đề ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết tận gốc những nguyên nhân dẫn đến xung đột.
Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York)