Nguy cơ khủng hoảng dầu mỏ

Theo báo "Bưu điện Tài chính" (Canađa) ngày 19/2, Mỹ đang chống lại những đồng minh cũ tại Trung Đông, do vậy, nếu thế giới lại lâm vào cảnh khan hiếm dầu, các nước Trung Đông sẽ không còn hỗ trợ phương Tây và Mỹ nữa.

Ông Lawrence Solomon, Giám đốc điều hành Tổ chức Khảo sát Năng lượng (Canađa) cho rằng cuộc khủng hoảng dầu mỏ sắp tới sẽ không giống với các cuộc khủng hoảng trước đây, thời mà phương Tây có thể dựa vào các nước xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông và tất cả các nước Trung Đông đều cho rằng sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển bằng bất kỳ giá nào.


Ngày nay, hầu hết các nước Trung Đông đều coi Mỹ là một cường quốc đang suy yếu và bất lực. Do vậy, nếu xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ, phương Tây sẽ không còn dựa được vào sự hợp tác của các nước Trung Đông để hạn chế sự hỗn loạn trên các thị trường dầu mỏ và những biến động kinh tế ở trong nước.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ gần đây nhất, diễn ra sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, đã dẫn đễn những hỗn loạn tại phương Tây. Hồi đó, việc các xe ô tô phải xếp hàng để đổ xăng trở nên phổ biến tại Mỹ, chính quyền đã in phiếu để chuẩn bị cho việc phân phối xăng dầu, và bang California đã thực hiện việc phân phối xăng dầu. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Mỹ, hồi đó Arập Xêút đã tăng sản lượng thêm 30%, Côoét và các nước xuất khẩu khác cũng đã tăng sản lượng để bù vào sự thiếu hụt do gián đoạn nguồn cung dầu mỏ từ Iran. Kết quả là trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979, mức thiếu hụt ở phương Tây chỉ là 4%, đủ để không phải phân phối xăng dầu, song không đủ để ngăn giá dầu tăng và một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979 cho tới nay, khi các thị trường dầu mỏ thiếu hụt nguồn cung, Arập Xêút và các đồng minh khác của Mỹ ở Trung Đông đều tăng sản lượng để hỗ trợ các nền kinh tế phương Tây.


Hiện người ta có những ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa các đồng minh Trung Đông và phương Tây. Một số chuyên gia cho rằng các nền kinh tế Trung Đông phát triển chậm hơn kinh tế các khu vực khác và sự phụ thuộc của phương Tây vào dầu mỏ Trung Đông đang làm hại chính các nền kinh tế của phương Tây. Nhưng một đặc điểm bao trùm trong mối quan hệ giữa giới lãnh đạo nhiều nước Trung Đông và phương Tây trong thời gian này là có thiện chí và tôn trọng lẫn nhau.

Tuy nhiên, thiện chí và sự tôn trọng này hiện không còn nữa. Năm 1979, Mỹ không thừa nhận rằng nước này đã giúp lật đổ chính quyền của Quốc vương Iran, mà chỉ thúc đẩy những cải cách và những bước hướng tới dân chủ. Nhưng trong trường hợp của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, Mỹ đã công khai giúp lật đổ ông này, bất chấp 30 năm trung thành của ông ta, thậm chí cũng chẳng thèm có hành động giữ thể diện cho Mubarak.

Cách xử sự của Mỹ đối với một đồng minh lâu năm như ông Mubarak đã khiến Quốc vương Abdullah của Arập Xêút bất bình và có tin ông này đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc điện đàm nảy lửa.


Để nói rõ với thế giới Arập về quan điểm của ông và những điều ông nghĩ về cách hành xử của Obama, Quốc vương Abdullah đã ra lệnh cho các trợ lý miêu tả sự đối đầu của ông với Obama với báo chí. Để nhấn mạnh sự phản đối chính sách của Mỹ, Abdullah còn quyết định chống lại việc Mỹ đe dọa cắt viện trợ hàng năm trị giá 1,3 tỷ USD cho Ai Cập, khi cam kết cung cấp cho Cairô số tiền này nếu Mỹ cắt viện trợ.

Arập Xêút giờ đây tin rằng nước này cần phải tự lực cánh sinh và đang bắt đầu hướng chính sách đối ngoại ra khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, ví dụ như đang xem xét việc thỏa hiệp với đối thủ chính là Iran. Các nước sản xuất dầu mỏ khác trong khu vực này chắc chắn cũng rút ra bài học tương tự.

Và khi tình hình tại Trung Đông bất ổn, triển vọng gián đoạn các nguồn cung cấp dầu mỏ là hiện hữu. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ có thể nổ ra sớm do những bất ổn tại một trong số những nước xuất khẩu năng lượng như Libi, hoặc muộn hơn nếu một chế độ thân phương Tây nhân nhượng những người theo Hồi giáo bằng việc bày tỏ mong muốn khiêu khích phương Tây.

Cho dù nguyên nhân là gì, nhưng khi nổ ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ sắp tới, các nước sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông sẽ ít cảm thấy có nghĩa vụ phải làm theo mệnh lệnh của Mỹ, mà ngược lại, họ có thể muốn chứng tỏ cho Mỹ về cái giá của việc Oasinhtơn đã không tôn trọng họ. Chính quyền Obama có thể cần đến số phiếu phân phối xăng dầu mà Mỹ đã in năm 1979.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN