Hơn 200 ứng cử viên từ phe trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron và liên minh cánh tả đã rút lui để tránh chia nhỏ phiếu bầu. Họ đã gạt bỏ những khác biệt của mình sang một bên với mục tiêu duy nhất là không để phe cực hữu gom được 289 ghế cần thiết để giành đa số tại Quốc hội Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/6 khi tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp sớm đã nhấn mạnh: “Sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy là mối nguy hiểm cho đất nước, cũng như cho châu Âu, cho vị trí của Pháp ở châu Âu và trên thế giới”.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng 1 của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra ngày 30/6 cho thấy đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu đã giành ưu thế lớn để chuẩn bị cho vòng 2. Theo Bộ Nội vụ Pháp, đảng RN thu về 33% phiếu bầu trong vòng đầu tiên bầu cử Quốc hội. Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) về thứ hai với 28% và liên minh “Chung sức vì nền Cộng hòa” Tổng thống Emmanuel Macron giành được 20%.
Sau vòng đầu tiên, hơn 300 ghế đã chuyển sang cuộc đua ba bên. Chỉ những ứng cử viên giành được ít nhất 12,5% số phiếu bầu ở vòng đầu tiên mới có thể lọt vào vòng 2.
Đến 2/7, khi thời hạn rút lui kết thúc, chỉ còn lại chưa đến 100 ứng cử viên, sau khi các ứng cử viên trung dung và cánh tả đã rút lui một cách có chủ đích. Theo nhà phân tích Antoine Bristielle, chiến thuật này nhằm ngăn cản một số ứng cử viên RN giành chiến thắng.
NFP cam kết rút tất cả các ứng cử viên đứng ở vị trí thứ ba trong vòng đầu tiên. Ví dụ như một nhân vật đủ điều kiện của NFP là Leslie Mortreux đã bước sang một bên để trao cho Bộ trưởng Nội vụ cánh hữu Gerald Darmanin cơ hội tốt hơn để đánh bại đối thủ RN tại một khu vực bầu cử ở phía Bắc.
Liên minh “Chung sức vì nền Cộng hòa” của Tổng thống Macron cũng kêu gọi những người ủng hộ họ ngăn cản phe cực hữu lên nắm quyền.
Phóng viên Natacha Butler của Al Jazeera nói rằng các ứng cử viên bỏ cuộc thường là những người trong cuộc đua ba bên mà ứng cử viên cực hữu dường như đang dẫn đầu. Bà Butler phân tích: “Điều đó có nghĩa là ở một số khu vực bầu cử nơi đã diễn ra cuộc đua ba bên, thực tế sẽ chỉ có một cuộc chạy đua hai bên giữa ứng cử viên cực hữu và bất kỳ ai ở lại cuộc đua, cho dù đó là ứng cử viên trung dung hay một ứng cử viên của liên minh cánh tả. Tác động mà điều này thực sự sẽ gây ra vào 7/7 khi cử tri quay lại bỏ phiếu là không thể đoán trước được”.
Bà Le Pen ngày 2/7 cho biết đảng RN sẽ tìm cách thành lập chính phủ ngay cả khi không đạt được đa số tuyệt đối 289 ghế trong Quốc hội 577 ghế. Bà Le Pen cho biết bà sẽ bổ nhiệm Chủ tịch RNJordan Bardella (28 tuổi) làm thủ tướng nếu đảng RN giành được đa số phiếu. Điều này có thể mở ra một thời kỳ “chung sống” không thoải mái giữa một thủ tướng cực hữu phụ trách chương trình nghị sự trong nước và một tổng thống theo chủ nghĩa tự do giám sát các vấn đề đối ngoại.
Cùng ngày 2/7, Tổng thống Macron trong một cuộc họp kín của các bộ trưởng tại Điện Elysee phát biểu rằng ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn RN nắm quyền. Ông Macron cho biết, điều đó sẽ liên quan đến việc hỗ trợ các thành viên của đảng cực tả Nước pháp Bất khuất (LFI) nếu cần thiết, bất chấp một số phản đối từ các thành viên trong đảng của ông. Thành viên đảng LFI Francois Ruffin cùng ngày nói rằng có thống nhất trong mục tiêu không để NR chiếm đa số tuyệt đối.
Một số nhà phân tích cho rằng kết quả có thể xảy ra sau vòng 2 bầu cử là Quốc hội treo, dẫn tới tình trạng tê liệt chính trị trong nhiều tháng, vào thời điểm Pháp đang chuẩn bị đăng cai Olympic 2024.