Kể từ đợt ngừng bắn kéo dài 1 tuần hồi năm ngoái, đã hơn 8 tháng trôi qua, không chỉ người dân Israel mà cả dư luận quốc tế đều mong muốn có thêm một lệnh ngừng bắn mới, nhất là khi cuộc xung đột ở Dải Gaza đã bước sang tháng thứ 10 với nhiều hệ lụy và khủng hoảng. 120 con tin người Israel và một số quốc gia khác vẫn đang bị giam giữ tại Dải Gaza, trong khi số người Palestine thiệt mạng đã lên tới hơn .100 người. Hôm 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đích thân công bố phiên bản đề xuất ngừng bắn mới, chia làm 3 giai đoạn, bao gồm nhiều nội dung từ việc Hamas trao trả con tin, Israel rút quân khỏi Dải Gaza tới việc tái thiết mảnh đất bị chiến tranh tàn phá này. Ông tuyên bố: “Đã đến lúc cuộc chiến này kết thúc”.
Tuy nhiên, các vòng đàm phán liên tục thất bại do lập trường cốt lõi và tiên quyết của các bên vẫn quá khác biệt. Với Hamas là Israel phải ngừng bắn hoàn toàn và rút quân vĩnh viễn, còn với Israel là không chấp nhận các yêu cầu này chừng nào Hamas chưa bị triệt tiêu năng lực quân sự và năng lực quản lý. Mỗi lần thất bại là mỗi lần bên này lại đổ lỗi cho bên kia cố tình cản trở tiến trình đàm phán.
Tuần qua, lần đầu tiên phong trào Hamas có một sự điều chỉnh quan trọng về lập trường nhằm hướng đến một thỏa thuận với Israel. Theo đó, từ bỏ yêu cầu Israel phải cam kết bằng văn bản về việc ngừng bắn vĩnh viễn khi kết thúc giai đoạn đầu 45 ngày của kế hoạch gồm 3 giai đoạn. Ngoài ra, Hamas sẽ chấp nhận sự đảm bảo từ các đối tác quốc tế rằng việc đàm phán về “ngừng bắn vĩnh viễn” hoặc "ngừng bắn lâu dài" sẽ được tiến hành vào đầu giai đoạn 1 và tiếp tục diễn ra trong suốt giai đoạn này. Hamas cũng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận việc Israel rút dần quân khỏi Gaza, thay cho yêu cầu ban đầu là "phải rút hết quân vào cuối giai đoạn 1". Ngoài ra, việc phóng thích các con tin sẽ phụ thuộc vào tiến triển của các cuộc đàm phán về ngừng bắn vĩnh viễn và rút quân vĩnh viễn.
Như vậy, về cơ bản Hamas đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đề xuất, đồng thời các quan chức của phong trào này cũng tuyên bố “đang chờ phản hồi của phía Israel”. Một bộ phận lớn trong dư luận người dân Israel, đặc biệt là thân nhân của các con tin, hy vọng dưới tác động trực tiếp của Mỹ, đồng minh lớn nhất của Israel, vòng đàm phán này sẽ thành công. Bản thân giới lãnh đạo quân đội Israel gần đây cũng thiên về giải pháp hòa đàm để đưa số con tin trở về càng nhiều càng tốt. Bởi họ cho rằng đánh bại Hamas và giải cứu con tin an toàn là hai mục tiêu mâu thuẫn tự thân.
Về phía Israel, các nguồn tin cho biết quốc gia trung gian Qatar đã tiếp cận và thảo luận với các quan chức Israel nhằm tìm kiếm câu trả lời trong vòng vài ngày tới. Trước đó, ngày 5/7, Israel đã cử một đoàn đàm phán do Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad, ông David Barnea, dẫn đầu tới Doha. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cũng xác nhận các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần này. Bên cạnh Qatar, Ai Cập cũng sẽ tiếp đón các phái đoàn của Israel và Mỹ tới Cairo để thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời Ai Cập cũng tiếp tục duy trì kênh liên lạc với đại diện quân sự của Hamas.
Những nỗ lực của các bên trung gian, đặc biệt là sự “xuống thang” của Hamas, cho thấy đàm phán ngừng bắn đang có những tiến triển tích cực. Sự yếu thế trên chiến trường gần đây khiến Hamas nghiêng hơn về phía hòa đàm. Quân đội Israel tuyên bố đã kết thúc giai đoạn giao tranh căng thẳng nhất ở Gaza, sau khi kiểm soát được khoảng 70% thành phố Rafah, khiến các đơn vị của Hamas tan rã và phải chuyển sang chiến thuật đánh du kích.
Tuy nhiên, trong một diễn biến bất ngờ, ngày 7/7, Văn phòng Thủ tướng Israel phát đi thông báo của ông Netanyahu nhấn mạnh tới các điều kiện để tiến hành đàm phán, bao gồm: Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải cho phép Israel tiếp tục cuộc chiến cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu đề ra; Chấm dứt tình trạng buôn lậu vũ khí qua Ai Cập vào Dải Gaza để cung cấp cho Hamas; Không cho phép hàng nghìn “kẻ khủng bố” vũ trang quay lại phía Bắc Dải Gaza; Số lượng con tin còn sống sẽ được trao trả phải ở mức tối đa.
Những người ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn và giải cứu con tin cho rằng tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu phát đi vào đúng thời điểm nhạy cảm, ngay trước khi diễn ra cuộc họp Nội các An ninh nhằm đánh giá tình hình để đưa ra quyết định đàm phán và trong khi các bên trung gian đang đẩy mạnh tiếp xúc nhằm ráp nối lập trường và yêu cầu của các phía đối địch. Một tuyên bố như vậy sẽ tạo tác động tiêu cực vào thời điểm vòng đàm phán có những tín hiệu thành công rõ rệt nhất.
Để tránh cho chính phủ liên minh khỏi nguy cơ tan vỡ, Thủ tướng Netanyahu đang ngày càng phụ thuộc vào các thành viên cực hữu, những người có quan điểm cứng rắn không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Hamas. Ngày 8/7, Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich một lần nữa cảnh báo sẽ lật đổ chính phủ liên minh nếu ông Netanyahu chấp nhận thỏa thuận. Trong khi đó, dư luận bên ngoài, nhất là từ Mỹ, về việc cần sớm ngừng cuộc chiến cũng đang tạo sức ép rất lớn. Gần đây, các phát ngôn của Thủ tướng Netanyahu một mặt thể hiện sự thiện chí đàm phán, mặt khác, nhà lãnh đạo Israel thường xuyên đưa ra các tuyên bố mâu thuẫn “không ngừng bắn chừng nào Hamas chưa bị loại bỏ”.
Theo kế hoạch, ngày 24/7 tới Thủ tướng Netanyahu sẽ có chuyến công du tới Washington, gặp Tổng thống Biden và có bài phát biểu trước các nghị sĩ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ. Những bất đồng liên quan tới cuộc chiến tại Dải Gaza cũng như nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện với phong trào Hezbollah ở Liban buộc nhà lãnh đạo này phải có những tính toán thận trọng, nhằm duy trì sự ủng hộ về tài chính, quân sự và cả tiếng nói từ đồng minh thiết yếu là Mỹ.
Giới quan sát nhận định mặc dù có cùng quan điểm với các chính trị gia cải cách và tướng lĩnh quân đội theo hướng ưu tiên ngừng bắn để giải cứu con tin, nhưng hiện Thủ tướng Netanyahu đã phụ thuộc quá lớn vào phe cực hữu, khiến ông không thể chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn nếu không có sẵn một kịch bản duy trì sinh mệnh chính trị cá nhân. Cũng như các vòng đàm phán trước, nhiều khả năng Thủ tướng Netanyahu sẽ tìm cách trì hoãn lệnh ngừng bắn và sẽ bác bỏ các yêu cầu của Hamas sau chuyến công du tới Washington. Vì vậy, tuyên bố mới nhất của ông về các điều kiện đàm phán được xem là một nước cờ khó hiểu.