Tổng thống đắc cử Donald Trump của nước Mỹ gây cho thế giới nhiều cảm xúc khác nhau. Ảnh: AFP |
Theo đánh giá của tờ Economist, ít am tường công việc nhất so với các đồng nghiệp trên thế giới, đó là Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Sẵn sàng lật đổ trật tự toàn cầu nước Mỹ dày công dựng lên trong 7 thập kỷ kể từ thời điểm kết thúc thế chiến 2, đó vẫn là ông trùm bất động sản.
Tính đến thời điểm này, ông Trump vẫn mô tả chính sách ngoại giao của mình bằng những thuật ngữ mơ hồ, với những câu khẩu hiệu như đặt “Nước Mỹ lên đầu” thay cho những bản kế hoạch chi tiết. Trong giới hạn thế giới còn có cơ sở phán đoán, đó sẽ là một chính sách ngoại giao dọa áp thuế trừng phạt với các mặt hàng nhập khẩu nhằm giảm thâm hụt, thu các nước đồng minh phí dịch vụ cam kết an ninh từ Mỹ và tử tế hơn với những nhân vật chóp bu như Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Một tổng thống tốt cũng như một ông trùm bất động sản, phải trong tâm thế sẵn sàng quay lưng với một thương vụ tồi. Trong cách tiếp cận đó, đặc tính “không thể dự báo trước” của ông Trump lại trở thành hữu ích. Với phong cách chính trị cố tình không tạo ra sự bảo đảm của ông Trump, không một hiệp định nào, một thể chế quốc tế nào hay một mối liên minh nào là không thể thay đổi.
Tại châu Âu, chiến thắng của ông Trump tiếp thêm hy vọng cho những người theo chủ nghĩa dân túy như nhà lãnh đạo Viktor Orban của Hungary hay bà Marine Le Pen của Pháp, nhân vật nắm cơ hội đắc cử tổng thống vào năm sau. Trên mạng xã hội Twitter, Phó Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia Florian Philippot, chiến lược gia của đảng do bà Marine Le Pen làm Chủ tịch, đã viết: “Thế giới của họ đang sụp đổ, thế giới của chúng ta đang được dựng xây”.
Đáng tiếc thay, niềm hy vọng nói trên không rải đều trên "lục địa già". Quan điểm của ông Trump về vấn đề an ninh khiến các đồng minh NATO của Mỹ lo sợ và sự mến mộ không giấu giếm của vị tổng thống đắc cử này dành cho Tổng thống Nga Putin hay cách nhìn dường như khác biệt so với quan điểm lâu nay của Mỹ trong vấn đề đề lãnh thổ liên quan đến Nga và Ukraine, làm một số quốc gia ái ngại. Estonia đã bắt đầu khuyến khích công dân vũ trang tại gia đồng thời trang bị cho họ kĩ thuật chiến đấu.
Nga là một trong những nước ăn mừng, không chỉ vì Tổng thống Putin xem ông Trump là một tâm hồn dù yếu ớt hơn song đồng điệu, mà còn bởi vì chiến thắng của ông Trump tạo ra sự ngờ vực vào một mô hình dân chủ kiểu Mỹ.
Cùng đứng trong hàng ngũ rót champagne sau biến cố Brexit phiên bản Mỹ, theo Economist, còn có người Trung Quốc với những lý do tương tự. Một lần nữa, chiến thắng của nhân vật có những phát ngôn gây tranh cãi và bị đánh giá là không đạt tiêu chuẩn trong cả chặng đường tranh cử kéo dài, khiến hệ thống kiểm soát chặt của nước này tỏa sáng khi đặt lên bàn cân, đong, đo, đếm. Bắc Kinh cũng tin rằng việc ông Trump không coi trọng trật tự quốc tế dựa trên những quy tắc nước Mỹ đã góp sức tạo nên sẽ khiến ông Trump dễ chấp nhận hơn một Trung Quốc là cường quốc của khu vực.