Fentanyl vốn là một chất thuộc nhóm thuốc giảm đau rất mạnh (gấp 100 lần morphine) và được sử dụng có kiểm soát trong điều trị bệnh ở nhiều nước, đã được tổng hợp bất hợp pháp, trộn lẫn với heroin, cocain và trở thành ma túy tổng hợp.
Ma túy tổng hợp - các chất ma túy không có trong tự nhiên và được tổng hợp dễ dàng từ các loại hóa chất (được gọi là tiền chất), đang làm thay đổi thị trường và chuỗi cung ứng; hoạt động sản xuất đang lan rộng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở khu vực Trung Á, Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ...
Nhiều loại ma túy tổng hợp được sản xuất bằng cách trộn các thành phần của thuốc hướng thần và chất gây nghiện. Methamphetamine, loại ma túy tổng hợp đang “thống trị” thế giới, được sản xuất, mua bán và sử dụng tập trung ở Đông Á, Đông Nam Á và Bắc Mỹ, chiếm gần 90% lượng methamphetamine bị tịch thu trên toàn cầu.
Tình trạng sản xuất và sử dụng các chất hướng thần mới (NPS) cũng gia tăng sau nhiều năm, trong đó 87 chất mới được báo cáo đã có mặt trên thị trường kể từ năm 2021. Các chất mới liên quan đến cần sa Cannabidiol (CBD) đang trở lên phổ biến và được tội phạm mua bán dưới nhiều hình thức, chủ yếu là tẩm ướp vào thức ăn, đồ uống và thuốc lá điện tử. Điển hình như “nước vui”, "bóng cười" hay “sữa bột K” là những hỗn hợp mới xuất hiện gần đây ở Đông và Đông Nam Á. Chất hướng thần mới có đặc điểm chung là giá thành rẻ, dễ cất giấu và tạo ảo giác cực mạnh khi sử dụng.
Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy vẫn diễn ra rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Các thị trường ma túy có dấu hiệu liên kết chặt chẽ hơn; hình thức vận chuyển đa dạng, thủ đoạn tinh vi. Các băng nhóm tội phạm đã triệt để lợi dụng không gian mạng, các phương thức thương mại điện tử đang phát triển nhanh tại nhiều nước và những sơ hở trong công tác kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa các quốc gia để gia tăng các hoạt động phạm tội cả về quy mô, tính chất và mức độ nghiêm trọng với nhiều thủ đoạn mới, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa.
Nhấn mạnh chủ đề “Bằng chứng rõ ràng: Đầu tư vào phòng ngừa” cho Ngày Quốc tế Phòng chống, lạm dụng ma túy 26/6 năm nay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu bật ma túy là “nguồn gốc đau khổ” của nhân loại, bào mòn sức khỏe và phúc lợi của con người, cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng mỗi năm. Ông cho rằng “việc phá vỡ vòng lặp khổ đau có nghĩa là bắt đầu ngay từ đầu, trước khi ma túy gây ra hiểm họa, bằng cách đầu tư vào nỗ lực phòng ngừa”.
Hợp tác quốc tế đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn, bài trừ ma túy, nhất là khi các loại ma túy tổng hợp biến tướng, trá hình đang len lỏi vào cuộc sống và gây ra những hệ lụy khôn lường cho xã hội.
Thứ nhất, hợp tác quốc tế giúp các quốc gia chia sẻ thông tin về NPS và sản phẩm ma túy mới (NPP) một cách nhanh chóng và hiệu quả, bao gồm thông tin về thành phần, tác hại, xu hướng sử dụng và các biện pháp kiểm soát.
Thứ hai là tăng cường năng lực phòng chống khi các quốc gia có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở vật chất và áp dụng các biện pháp phòng chống NPS và NPP hiệu quả hơn. Tiếp đến là thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Hợp tác quốc tế tạo điều kiện cho các nhà khoa học trên toàn thế giới cùng nhau nghiên cứu về NPS và NPP, từ đó phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị và cai nghiện hiệu quả hơn.
Cuối cùng là hỗ trợ thực thi pháp luật. Các nước có thể phối hợp để truy nã và truy tố các đối tượng buôn bán và sản xuất NPS và NPP, đồng thời ngăn chặn việc vận chuyển bất hợp pháp các chất này.
Các sáng kiến như chương trình đào tạo chung cho các cơ quan thực thi pháp luật và các chuyên gia y tế thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về kiểm soát ma túy. Bên cạnh đó, UNODC đang tạo điều kiện cho hợp tác giữa các quốc gia, thúc đẩy trao đổi thông tin và phối hợp các hoạt động chống ma túy. Những nền tảng này không chỉ tăng cường năng lực của từng quốc gia mà còn thúc đẩy cam kết chung trong việc phòng chống ma túy trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế hợp tác quốc tế trong phòng chống vấn nạn ma túy, đặc biệt là các loại ma túy mới gặp một số hạn chế nhất định, như thiếu hụt khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện để kiểm soát NPS và NPP; có sự khác biệt về luật pháp của các nước trong việc phân loại, kiểm soát và xử lý NPS và NPP. Trở ngại nữa là thiếu nguồn lực, đặc biệt là các nước đang phát triển không đủ nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng chống NPS và NPP hiệu quả. Không thể bỏ qua một thực tế là tốc độ phát triển nhanh chóng của NPS và NPP. Các chất mới liên tục xuất hiện, khiến cho việc theo dõi và kiểm soát trở nên khó khăn hơn.
Trước thực tế này, UNODC đã khuyến nghị các giải pháp để tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống ma túy nói chung và các loại ma túy mới nói riêng. Đó là tiếp tục tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp thực thi pháp luật; phát triển khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện để kiểm soát NPS và NPP; hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, kỹ thuật và nguồn lực để nâng cao năng lực phòng chống NPS và NPP. Các biện pháp này cần thực hiện song hành với việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của NPS và NPP, đồng thời khuyến khích mọi người tham gia vào cuộc chiến chung.
Tại Việt Nam, ngày 26/6 cũng là “Ngày toàn dân phòng chống ma túy” và tháng 6 hằng năm là “Tháng hành động phòng chống ma túy”. Trong bối cảnh tình hình tội phạm ma túy ở Việt Nam diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến trọng điểm, các lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, với phương án phòng tuyến ba lớp chặn ma túy từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt với các nước láng giềng và các nước Đông Nam Á để giải quyết vấn đề ma túy; luôn ủng hộ và tham gia tích cực các khuôn khổ hợp tác của khu vực cũng như các cơ chế hợp tác với các nước đối tác, các tổ chức quốc tế như UNODC. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, khám phá thành công gần 14.470 vụ, bắt giữ hơn 23.000 đối tượng, thu giữ trên 196 kg heroin, hơn 2,34 tấn và 1,47 triệu viên ma túy tổng hợp, 882 kg cần sa.
Tháng 12 năm ngoái, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi hợp tác cấp quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm giải quyết thách thức về an ninh và y tế công toàn cầu do vấn nạn ma túy tổng hợp. Thông điệp của LHQ rất rõ ràng: chỉ khi hợp tác và hành động mạnh mẽ, thế giới mới có thể “phá vỡ vòng lặp khổ đau” và chấm dứt nạn lạm dụng và buôn bán ma túy.