Ngoại trừ 2 quốc đảo Địa Trung Hải là Malta và Cyprus, các nước còn lại của đợt mở rộng "Big Bang" đều thuộc khối Đông Âu, trong đó có 3 nước thuộc Liên Xô trước đây.
Chỉ qua một đêm, EU đã trở thành một thực thể chính trị, kinh tế và văn hóa rộng lớn hơn, trải dài từ Tallinn (Estonia) đến Lisbon (Bồ Đào Nha), từ Valletta (Malta) đến Stockholm (Thụy Điển), từ Dublin (Ireland) đến Nicosia (Cyprus). Cảm hứng của “đợt mở rộng Big Bang” và sức hấp dẫn của nó đã dẫn đến việc Bulgaria, Romania và Croatia gia nhập đại gia đình châu Âu vài năm sau đó. Sự mở rộng nhanh chóng đã đem lại cho EU nhiều thành quả, song bên cạnh đó cũng còn không ít những thách thức.
Trước tiên, đó là một thị trường chung rộng lớn, nhiều cơ hội hơn, thịnh vượng hơn và an toàn hơn. EU đã trở thành một trong những thị trường chung lớn nhất thế giới, kéo theo sự tăng trưởng và thịnh vượng cho toàn khối. Trong 20 năm qua, cơ sở hạ tầng và kết nối hiện đại quy mô lục địa đã được xây dựng trên khắp 27 quốc gia thành viên nhờ các khoản đầu tư và quỹ của EU. Xã hội châu Âu theo đó cũng đã được hưởng lợi với nhiều đổi mới hơn, nhiều lĩnh vực đầu tư hơn, sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người với tiêu chuẩn cao hơn và cơ hội lớn hơn cho tất cả mọi người. Kể từ năm 2004, hơn 2,7 triệu người từ 10 quốc gia đã đón nhận cơ hội học tập và giảng dạy ở nước ngoài thông qua chương trình Erasmus. Bên cạnh đó, 9/10 quốc gia gia nhập (trừ Cyprus) đã hoàn toàn thuộc Schengen - khu vực đi lại tự do lớn nhất thế giới.
Trong 20 năm qua, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế EU vẫn tăng trưởng 27%. Các quốc gia gia nhập năm 2004 đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế đáng kể. Ví dụ, nền kinh tế Ba Lan và Malta đã tăng hơn gấp đôi quy mô, trong khi Slovakia đã tăng trưởng 80%. Tiền lương thực tế đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2004-2023 ở 10 nước này và mức độ nghèo đói đã giảm đi một nửa. Trong số 26 triệu việc làm mới được tạo ra trên khắp EU trong 20 năm qua, 6 triệu việc là ở 10 quốc gia thành viên mới.
Việc kết nạp các quốc gia mới cũng tạo thêm nhiều cơ hội và thịnh vượng cho các quốc gia thành viên cũ. Xuất khẩu của Tây Ban Nha sang 10 nước này đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua. Thương mại hàng hóa của Italy với các nước này đã tăng 77% kể từ đó. Liên kết thương mại giữa Litva và Thụy Điển cũng tăng đáng kể. Trong vòng chưa đầy hai thập niên, dòng hàng hóa nội địa trong EU đã tăng hơn 40%.
Trong lĩnh vực an ninh, các quốc gia thành viên đã hợp tác hiệu quả hơn để trấn áp tội phạm xuyên biên giới như buôn bán ma túy, rửa tiền và tội phạm trực tuyến nhờ các quy tắc chung, hợp tác hoạt động và sự hỗ trợ của EU.
Thứ hai, đó là chất lượng cuộc sống người dân được đảm bảo và nâng cao hơn. Trong 20 năm qua, EU cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể về quyền xã hội, bảo vệ sức khỏe và môi trường, quyền lợi người tiêu dùng và an toàn sản phẩm, cùng nhiều vấn đề khác, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống chung của người dân. Theo số liệu của tổ chức đo lường các chỉ số EU Standard Eurobarometer, trong 20 năm qua, tuổi thọ trung bình ở các quốc gia mở rộng năm 2004 đã tăng từ 75 lên 79 tuổi, gần như thu hẹp khoảng cách với mức trung bình 81 tuổi của EU gồm 27 thành viên. Mức độ hài lòng với cuộc sống của các quốc gia mới gia nhập cũng đã tăng từ % của năm 2004 lên 89% vào năm 2024.
Thứ ba, đó là tăng cường hơn nữa vai trò của EU trên thế giới. Việc bổ sung 10 quốc gia thành viên mới đã giúp tăng cường sức mạnh kinh tế của EU trên toàn cầu. Lợi thế của một thị trường chung ngày càng rộng mở đã khiến EU trở thành đối tác thương mại hấp dẫn hơn nữa, cho phép liên minh này tạo ra những cơ hội mới ở nước ngoài. Kể từ năm 2004, thương mại quốc tế toàn cầu của EU đã tăng thêm 3.000 tỷ euro, đạt 5.000 tỷ euro vào năm 2023.
Một liên minh lớn hơn cũng đã nâng cao vai trò của châu Âu với tư cách là nhà tài trợ nhân đạo hàng đầu. Hỗ trợ nhân đạo của châu Âu, dù ở Ukraine, Gaza hay Sudan đều do các nhân viên cứu trợ từ khắp EU thực hiện.
Theo Giám đốc Văn phòng EU của Quỹ Friedrich Naumann, ông Jules Maaten, việc mở rộng đã thúc đẩy sự thịnh vượng, củng cố nền dân chủ và đảm bảo sự ổn định trên toàn liên minh. Và với 27 quốc gia thành viên, EU đã trở thành một chủ thể địa chính trị mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn những "điểm tối" trong bức tranh đại mở rộng của EU. Giám đốc dự án khu vực Trung Âu và các nước vùng Baltic của Quỹ Friedrich Naumann, ông Lars-André Richter đánh giá EU đang đối mặt với các mối đe dọa, cả bên ngoài lẫn bên trong và tình hình địa chính trị trên thế giới hiện rất khác so với 20 năm trước.
Thứ nhất, đó là sự bất bình đẳng kinh tế và khoảng cách về trình độ phát triển chưa thể khỏa lấp giữa các quốc gia thành viên cũ và mới. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu năm 2021, trên cơ sở tài sản, các hộ gia đình Đan Mạch giàu nhất EU với tài sản trung bình mỗi hộ là 253.000 euro, gấp hơn 20 lần Romania đứng cuối bảng xếp hạng chỉ với 10.760 euro.
Tiếp đó là thách thức về đoàn kết và chia rẽ. Có một thực tế phải thừa nhận rằng, với ít quốc gia hơn, EU có thể dễ dàng hơn trong việc đạt được sự đồng thuận chung về các vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, khi khối càng mở rộng, với những thành viên có quan điểm và lợi ích khác biệt, sự chia rẽ ngày càng bộc lộ rõ. Trong nội bộ EU, chủ nghĩa dân tộc, dân túy gia tăng ở nhiều quốc gia thành viên, không chỉ đe dọa các giá trị cốt lõi của khối, mà còn đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết. Trong những năm gần đây, một số đảng và phong trào dân tộc chủ nghĩa đã trỗi dậy tại một số nước EU như Hungary, Ba Lan..., ủng hộ chính sách ưu tiên các lợi ích quốc gia hơn sự hội nhập và hợp tác châu Âu. Một số quốc gia thành viên EU phản đối việc di cư, dẫn đến các chính sách hạn chế nhập cư và gia tăng căng thẳng giữa các nước. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý hoài nghi về lợi ích của EU và ủng hộ việc tăng cường quyền lực cho chính phủ quốc gia. Những điều này làm suy yếu tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU; cản trở quá trình ra quyết định chung khi một số nước theo đuổi lợi ích riêng. Trong một số trường hợp, chủ nghĩa dân tộc gia tăng có thể dẫn đến sự chia tay như việc Vương quốc Anh rời khỏi EU (Brexit)
Sau 20 năm mở rộng, EU còn đối mặt với bài toán nhập cư, khi biến đổi khí hậu, xung đột và bất ổn chính trị đang thúc đẩy người dân di cư đến các quốc gia EU, gây áp lực lên hệ thống tị nạn và biên giới chung. Trong khi đó, các cuộc tấn công mạng đang trở nên tinh vi hơn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội. Những thách thức này đặt ra vấn đề đồng thuận về chính sách giải pháp và sự phối hợp hành động giữa các nước thành viên vốn không hoàn toàn có sự tương đồng về điều kiện kinh tế và quan điểm.
Tuy nhiên, lợi ích của việc mở rộng có vẻ chiếm ưu thế và sau 20 năm kể từ “đợt mở rộng Big Bang”, EU vẫn tiếp tục chuẩn bị kết nạp thêm các thành viên mới, chủ yếu ở khu vực Tây Balkan, dự kiến vào năm 2030. Chỉ có điều, mở rộng và kết nạp thêm thành viên hiện cũng là chủ đề gây tranh cãi gay gắt trong EU.