Bài viết trên tờ "The Wall Street Journal" cho rằng đây là cái kết mà ông Obama không ngờ tới sau 8 năm ông vận động cả thế giới để hình thành một kỷ nguyên mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ.
Theo bài viết, khi ông Obama đặt chân vào Nhà Trắng năm 2009 trong bối cảnh hai cuộc chiến tranh và một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra, mục tiêu chính của ông Obama khi đó là trấn an các đồng minh rằng chính quyền của ông sẽ chấm dứt kiểu hành động quân sự đơn phương của người tiền nhiệm là ông George W. Bush, và tập trung vào xây dựng những liên minh quốc tế.
Giờ đây, giữa lúc chuẩn bị rời Nhà Trắng, ông lại phải lãnh nhiệm vụ trấn an những đồng minh đang lo lắng tự hỏi: Liệu người kế nhiệm ông có tuân thủ những nguyên lý cơ bản của chính sách đối ngoại Mỹ mà các đời chính quyền Dân chủ và Cộng hòa áp dụng hàng thập niên qua hay không?
Tổng thống Barack Obama (phải) và Tổng thống mới đắc cử Donald Trump (trái) trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 10/11. Ảnh: EPA/TTXVN |
Ông Obama tới Hy Lạp vào ngày 15/11, sau đó sẽ lưu lại Đức trong 2 ngày. Ông dự định sử dụng cả hai chặng dừng chân này để nhấn mạnh tầm quan trọng của một châu Âu thống nhất.
Chuyến công du một tuần của ông kết thúc ở Peru, nơi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ở mỗi chặng dừng chân, ông sẽ gặp gỡ những nhà lãnh đạo chủ chốt trên thế giới - từ Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tất cả nhiều lý do khác nhau đều đang cảm thấy bất an về chính quyền của ông Trump trong tương lai.
Ông Trump đã gợi ý rằng các đồng minh của Mỹ tại châu Á và Trung Đông nên trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ. Ông phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran và hiệp định chống biến đổi khí hậu mới của quốc tế - cả hai văn kiện này đều có sự can dự tích cực của các đồng minh của Mỹ. Ông Trump cũng đặt dấu hỏi về ý nghĩa tồn tại của NATO và ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Tất cả những quan điểm này đều khiến châu Âu hoảng sợ.
Trong bối cảnh đó, chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông Obama được thiết kế nhằm phần nào bày tỏ những quan ngại sâu sắc của ông đối với tương lai của châu Âu. Chuyến thăm thứ hai tới Đức chỉ trong vòng 6 tháng qua của ông Obama không nằm ngoài mục đích nhấn mạnh vai trò sống còn mà ông tin rằng Đức đang đảm nhận trong tiến trình bình ổn châu lục.
Theo Josef Joffe, học giả nghiên cứu quốc tế tại Đại học Stanford (Mỹ) đồng thời là Tổng Biên tập tuần báo Đức "Die Zeit", giữa lúc châu Âu đang bị sốc và thất vọng (vì không nghĩ rằng nước Mỹ sẽ bầu ông Donald Trump), chuyến công du giống như một dạng liệu pháp an ủi để các nhà lãnh đạo châu Âu có thể tự trấn an rằng "nước Mỹ mà chúng tôi từng biết" sẽ không biến mất. Ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn an ninh quốc gia, cho biết thông điệp chung mà ông Obama gửi tới các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ là "có những điều cụ thể đã tồn tại hàng thập niên qua dưới thời các chính quyền khác nhau", trong đó có liên minh xuyên Đại Tây Dương và NATO.
Tại hội nghị thượng đỉnh APEC dự kiến khai mạc ngày 19/11 ở Lima (thủ đô của Peru), ông Obama sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ông cũng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo những nước đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thương mại sâu rộng trên thực tế đã sụp đổ hôm 11/11 khi các nhà lãnh đạo quốc hội nói với Nhà Trắng rằng họ sẽ không xem xét việc thông qua văn kiện này trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Obama.
Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes cho biết: "Chúng tôi ý thức rất rõ tình hình hiện nay, song chúng tôi tin rằng do thương mại và khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tầm quan trọng đối với nước Mỹ nên TPP sẽ tiếp tục là một trọng tâm mà tân tổng thống và Quốc hội sẽ phải thúc đẩy".