Bối cảnh địa chính trị châu Á đang có sự chuyển động khi mà Ấn Độ tìm kiếm các đối tác mới như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lợi ích song trùng trong cục diện mới
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 25/1. Ảnh: AFP |
Vài tuần sau khi Nhật hoàng Akihito và phu nhân Michiko thăm Ấn Độ - một trong những chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của Hoàng gia Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe đã tới New Dehli, thăm chính thức Ấn Độ 3 ngày (25-28/1). Chuyến đi này không những cho thấy vai trò trung tâm của New Dehli trong chính sách đối ngoại của Tokyo mà còn phản ánh bước chuyển động tinh tế trong môi trường chiến lược tại châu Á. Nó xảy ra đúng thời điểm Bắc Kinh có các bước đi táo bạo trong tạo lập chủ quyền - được cho là chất xúc tác làm xuất hiện các nhu cầu thiết lập đối trọng lớn hơn tại khu vực. Cùng với những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc vẫn thường xuyên thách thức Ấn Độ trên các tuyến biên giới trên bộ và vùng biển ở Ấn Độ Dương. Ấn Độ đang đẩy mạnh thực thi chính sách đối ngoại theo hướng duy trì quyền lực nước lớn năng động tại châu Á, cùng với toan tính trở thành trung tâm chiến lược của khu vực. Với khẩu hiệu không liên kết, Ấn Độ từng tìm cách lẩn tránh tạo lập quan hệ thân thiết với các đồng minh của Mỹ tại Đông Á. Nhưng bối cảnh địa chính trị biến chuyển đã buộc New Delhi phải thừa nhận sự gắn kết giữa lợi ích tại khu vực với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Chuyến thăm của ông Abe đã đưa đến kết quả bước đầu về triển vọng tươi sáng trong quan hệ Nhật - Ấn. Trong một động thái được xem là sự chỉ trích ngầm đối với các hành động gần đây của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền, thiết lập vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, tuyên bố chung Nhật - Ấn nêu rõ: Hai bên nhận thức tầm quan trọng của việc tự do lưu không và an toàn hàng không dân dụng phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế cũng như các tiêu chuẩn đã được thừa nhận... tái khẳng định cam kết hướng tới tự do hàng hải, giao thương trên biển, giải quyết tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong các cuộc tham vấn cấp cao, Thủ tướng Abe tuyên bố: một Ấn Độ hùng cường luôn nằm trong lợi ích tốt đẹp nhất của Nhật Bản và ngược lại. Ý tưởng của Thủ tướng Abe về “một cực “tự do và thịnh vượng” mới ở châu Á có sự nối kết của hai nền kinh tế dẫn chủ lớn đã có tiềm năng để hiện thực hóa, khi mà Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ là “trái tim” trong chính sách hướng Đông của New Dehli.
Hợp tác và thách thứcCăng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang làm rung chuyển các nền tảng chính trị châu Á. Hợp tác an ninh vì thế được xem là trụ cột trong quan hệ Nhật - Ấn. Bên cạnh cơ chế tham vấn chính sách, hai bên cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên. Nhật Bản chính thức mời Ấn Độ tham gia cuộc diễn tập Malabar diễn ra cuối năm nay, có cả sự hiện diện Mỹ. Lực lượng tuần duyên Nhật Bản, Ấn Độ vừa mở các cuộc tuần tra chung ở biển Arabia vào tháng 1 vừa qua. Đáng chú ý, Nhật Bản đã đưa ra đề nghị bán cho Ấn Độ máy bay US-2, loại thủy phi cơ lớn nhất thế giới hiện nay. Nếu được thông qua, đây sẽ là hợp đồng bán vũ khí lần đầu tiên của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Quan hệ kinh tế cũng có bước phát triển nhanh chóng. Nhật Bản hiện là nước cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất cho Ấn Độ. Trao đổi thương mại hai chiều đạt 18,5 tỉ USD trong năm tài khóa 2012 - 2013, dự đoán sẽ đạt 25 tỉ USD trong năm tài khóa 2013-2014. Nhật Bản cũng đã thông báo về khoản vay 2 tỉ USD giành cho Ấn Độ, tập trung vào một số dự án cơ sở hạ tầng như hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai, hành lang công nghiệp Chennai-Bangalore...
Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản buộc Nhật Bản và Ấn Độ phải vượt qua. Quan hệ thương mại song phương hiện còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng mỗi bên và quá thấp so với con số 100 tỉ USD kim ngạch ngoại thương Trung Quốc - Ấn Độ. Hiệp định hợp tác hạt nhân vẫn còn để ngỏ, do Nhật Bản muốn Ấn Độ thể hiện thái độ đáng tin hơn về cấm phổ biến, từ bỏ quyền tiến hành các vụ thử hạt nhân... Khi chưa ký kết được Hiệp định hợp tác hạt nhân, các công ty của Mỹ, Pháp sẽ không thể bán lò phản ứng cho Ấn Độ. Về phần mình, Nhật Bản muốn Ấn Độ thể hiện sự ủng hộ rõ ràng và quyết liệt hơn đối với quan điểm của Tokyo trong tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh, điều mà New Dehli luôn phải cân nhắc thận trọng.
Các “phép thử” trong chính sách quân sự, ngoại giao của Trung Quốc tại khu vực gần đây đã đẩy Nhật Bản, Ấn Độ xích lại gần nhau. Chính sách hướng Đông cùng với một quan hệ thân thiết với Tokyo sẽ là một thành tựu ngoại giao hiếm có của Ấn Độ - một nước vẫn được cho là hay có các chính sách cứng nhắc và “nhút nhát” về chiến lược. Chuyển động trong quan hệ Nhật - Ấn vì thế sẽ trở thành một trong những bước ngoặt địa chính trị quan trọng nhất tại châu Á.
HT (
Epochtimes)