Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ngay sau khi Solomon – Trung Quốc xác nhận đã ký kết thỏa thuận an ninh, Mỹ lập tức cử một phái đoàn đến Honiara để trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Manasseh Sogavare. Washington cho rằng thoả thuận an ninh này “thiếu minh bạch” và là “cánh cửa” giúp Bắc Kinh dễ dàng tiếp cận với các hòn đảo trong khu vực.
Australia cũng đã chỉ trích hiệp ước an ninh này. Hôm 24/4, Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố nếu thỏa thuận cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự tại quần đảo Thái Bình Dương, đây chính là “lằn ranh đỏ” không thể chấp nhận với Canberea.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng nhấn mạnh hiệp ước Trung Quốc-Solomon đã vi phạm thỏa thuận giữa các thành viên Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF), về việc trao đổi các vấn đề quốc phòng giữa các quốc gia trước khi đưa ra các quyết định quan trọng.
Thoả thuận an ninh gây tranh cãi
Honiara lần đầu tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh vào tháng 3. Thủ tướng Sogavare cho rằng động thái này nhằm giúp đa dạng hóa các đối tác an ninh của quốc đảo Thái Bình Dương. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố hiệp ước này nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh giữa hai quốc gia.
Dù đã ký kết thoả thuận cuối cùng, song hai bên chưa công bố rộng rãi nội dung chi tiết các điều khoản. Tuy nhiên, một tài liệu dự thảo bị rò rỉ hồi tháng 3 cho biết thỏa thuận an ninh giữa hai bên hứa hẹn việc Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Solomon duy trì trật tự xã hội, cứu trợ thiên tai cũng như cho phép tàu chiến của Trung Quốc cập cảng nước này để tiếp viện và chuyển giao thuỷ thủ.
Theo thoả thuận, Trung Quốc cũng có thể đặt các thiết bị quân sự và căn cứ quân sự ở nước này, nếu nhận được sự đồng ý của Chính phủ Quần đảo Solomon.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh cam kết giúp Quần đảo Solomon “tăng cường năng lực đảm bảo an ninh”, các lĩnh vực hợp tác bao gồm “trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai”. Song vị quan chức này không không đề cập đến các chi tiết liên quan đến vấn đề hợp tác quân sự.
Giới chức Quần đảo Solomon nhấn mạnh thoả thuận an ninh với Trung Quốc “chỉ có ứng dụng trong nước”. Honiara cũng cam kết không cho phép Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự, không hiện diện lâu dài và không có khả năng mở rộng ảnh hưởng theo thoả thuận an ninh.
Trung Quốc hiện chỉ duy 1 căn cứ quân sự bên ngoài biên giới tại Djibouti. Nếu thiết lập căn cứ ở Quần đảo Solomon, đây sẽ là căn cứ đầu tiên của quốc gia này ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, Mỹ có gần 800 căn cứ tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Lý do Mỹ và các đồng minh lo ngại
Giới chuyên gia cho rằng thoả thuận an ninh Trung Quốc-Solomon là động thái mới nhất thể hiện quyền lực của Bắc Kinh trong cuộc chiến giành ảnh hưởng trong khu vực.
Mỹ, Australia và New Zealand đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về thoả thuận này và những tác động an ninh của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Washington cảnh báo rằng thỏa thuận này sẽ gây bất ổn trong khu vực.
Hôm 26/4, ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng Văn phòng các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết thỏa thuận này cho thấy sự “thiếu minh bạch hoàn toàn”. Ông cảnh báo Mỹ sẽ đáp trả tương xứng với mọi nỗ lực thiết lập sự hiện diện quân sự ở quốc đảo Thái Bình Dương của Bắc Kinh.
Ngày 22/4, các quan chức cấp cao của Mỹ - dẫn đầu là ông Kurt Campbell, Điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - đã đến thăm Quần đảo Solomon sau khi Honiara xác nhận ký kết thỏa thuận với Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton gọi hiệp ước an ninh là này là hành động “gây hấn”. Trong khi Quan chức chuyên trách ngoại giao của Công đảng, bà Penny Wong, nói rằng khu vực đã “trở nên mất an toàn hơn” vì thoả thuận này.
Australia - nhà tài trợ lớn nhất của Solomon và là đối tác an ninh tin cậy của quốc đảo này - đã cố gắng thúc đẩy nước láng giềng rút khỏi thoả thuận với Bắc Kinh. Australia lo ngại thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương và tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực cách nước này chỉ chưa đầy 2.000km.
Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta tuần trước cho biết Auckland đã tuyên bố rõ ràng với cả Quần đảo Solomon và Trung Quốc về những lo ngại mất ổn định an ninh của khu vực Thái Bình Dương.
Song Thủ tướng Sogavare đã kêu gọi các quốc gia tôn trọng lợi ích chủ quyền của Solomon. Ông cũng không quên nhấn mạnh rằng các đối tác truyền thống của Solomon, như Australia và New Zealand, vẫn rất quan trọng. Thủ tướng nói: “Chúng tôi tham gia thỏa thuận với Trung Quốc với sự sáng suốt và được định hướng bởi lợi ích quốc gia”. Ông cho biết thêm rằng hiệp ước sẽ không “phá hoại hòa bình và sự hoà hợp” trong khu vực.
Vai trò của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương
Thỏa thuận mới được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh với các quốc gia Nam Thái Bình Dương.
Nhiều quốc gia trong khu vực đã thiết lập các thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Với thoả thuận này, nhiều hòn đảo nhỏ, hầu hết còn đói nghèo, sẽ có khả năng tiếp cận những khu vực đại dương rộng lớn.
Quần đảo Solomon lần đầu tiên đạt được thỏa thuận ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 2019.
Giới chuyên gia nhận định thoả thuận mới chỉ là khởi đầu của nỗ lực tăng cường hiện diện Trung Quốc ở các quốc đảo Thái Bình Dương. Bắc Kinh đang đẩy mạnh hỗ trợ phát triển, cứu trợ thiên tai và nỗ lực chống COVID-19 ở những nước khác trong khu vực.
Ông Tomohiko Satake, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản, cho rằng với hiệp ước an ninh với Solomon, Trung Quốc đang củng cố tham vọng thay đổi cán cân quyền lực ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
“Trung Quốc có thể ký kết hiệp ước tương tự với các quốc đảo khác như Papua New Guinea, Fiji, Vanuatu và Tonga. Điều đó có khả năng thúc đẩy hơn nữa xu hướng quân sự hóa và thay đổi hoàn toàn cục diện chiến lược khu vực. Cần phải giữ các khuôn khổ đa phương để giải quyết vấn đề này”, ông Satake nói.