Tại sao người gốc Ấn là nhóm cử tri quan trọng trong bầu cử Mỹ?

Nhóm người nhập cư lớn thứ hai ở Mỹ phần lớn ủng hộ các ứng viên đảng Dân chủ, nhưng kể từ bầu cử năm 2016, họ ngày càng dành nhiều ủng hộ cho Tổng thống Donald Trump.

Chú thích ảnh
Người tham gia sự kiện "Howdy, Modi" tại Houston, Mỹ ngày 22/9/2019. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Foreign Policy, trong chục năm qua, đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ đã coi người Mỹ gốc Ấn là một nhóm dân số ngày càng có ảnh hưởng. Mặc dù họ chỉ chiếm 1% trong số toàn bộ cử tri nhưng họ là nhóm người nhập cư lớn thứ hai ở Mỹ (sau người gốc Mexico). 

Cộng đồng Mỹ gốc Ấn cũng ngày càng mở rộng nhanh chóng. Theo điều tra dân số Mỹ, từ năm 2000 tới 2018, dân số người Mỹ gốc Ấn tăng gần 150%. Cộng đồng này cũng là nhóm thiểu số có thu nhập cao nhất ở Mỹ. Thu nhập trung bình của họ là 100.000 USD năm 2015, gần gấp đối thu nhập bình quân quốc gia năm đó.

Do đó, người Mỹ gốc Ấn là nhóm người tài trợ của cả hai đảng, đóng góp gần 10 triệu USD cho ứng viên Dân chủ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Trong bầu cử năm 2020, chiến dịch tranh cử của cả Tổng thống Trump và ứng viên Dân chủ Joe Biden đều nỗ lực phát sóng quảng cáo trên truyền hình nhằm vào cử tri gốc Ấn. Các quảng cáo bằng tiếng Hindi và các phương ngữ khác của ông Trump và Biden cạnh tranh nhau, chạy giữa các bộ phim Bollywood và chương trình truyền hình Ấn Độ trên các mạng truyền hình Ấn Độ nổi tiếng ở Mỹ như TVAsia và Sony Entertainment TV.

Chú thích ảnh
Bà Kamala (phải) và ông Biden. Ảnh: Bloomberg

Khi chọn bà Kamala Devi Harris, thượng nghị sĩ bang California có mẹ là người Ấn Độ, làm ứng viên liên danh tranh cử, chiến dịch của ông Biden đã huy động được sự ủng hộ to lớn từ cộng đồng Mỹ gốc Ấn. Bà Harris luôn tự hào vì mang hai dòng máu và nguồn gốc Ấn Độ, nhờ đó thu hút được nguồn tài trợ từ cộng đồng gốc Ấn. Tại một sự kiện gây quỹ hồi tháng 9, Quỹ Chiến thắng Biden đã thu về kỷ lục 3,3 triệu USD từ cộng đồng Mỹ gốc Ấn.

Tất nhiên, một số người lo lắng khi người Mỹ gốc Ấn chuyển sang ủng hộ Tổng thống Trump với số lượng lớn khi thấy quan hệ của ông với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tốt đẹp. Hai nhà lãnh đạo đều có phong cách chính trị tương đồng, thu hút người dân bằng đường lối dân túy, quan điểm cứng rắn chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Khảo sát của YouGov gần đây cho thấy 72% cử tri Mỹ gốc Ấn ủng hộ ông Biden. Trước đây, 77% ủng hộ bà Hillary Clinton năm 2016 và 84% ủng hộ ông Barack Obama năm 2012. Khảo sát cũng cho thấy số người Mỹ gốc Ấn ủng hộ ông Trump tăng lên 22% so với 16% năm 2016. Mặc dù đa số người gốc Ấn tiếp tục ủng hộ ứng viên Dân chủ nhưng dường như đảng Cộng hòa đang có chút thành công trong thu hút sự ủng hộ từ cử tri gốc Ấn.

Như trong bầu cử năm 2016, ngay cả một sự thay đổi nhỏ cũng tạo nên tác động lớn. Điều quan trọng nhất trong ảnh hưởng của cộng đồng gốc Ấn là có nhiều cử tri ở các bang dao động. Texas, Michigan và Pennsylvania đều có cộng đồng gốc Ấn đông. Trong bối cảnh cuộc đua có thể rất sít sao thì ngay cả sự ủng hộ nhỏ có thể tạo nên thắng-thua.

Mặc dù đa số người Mỹ gốc Ấn có thể vẫn thiên về Dân chủ trong các vấn đề nội địa, nhưng “yếu tố Modi” vẫn quan trọng. Nhiều người trong cộng đồng này tiếp tục ủng hộ Thủ tướng Modi và đặc biệt là quan điểm của ông trong vấn đề Kashmir. Khi ông Modi tới thăm thành phố Houston ở Mỹ, ông được 50.000 người chào đón cùng Tổng thống Trump. 

Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa đã giành được ngày càng nhiều sự ủng hộ nhờ liên kết giữa cử tri gốc Ấn và sự ủng hộ của họ dành cho Ấn Độ. Điều này thì đảng Dân chủ đôi khi khó thực hiện vì thường chỉ trích vấn đề nhân quyền của ông Modi.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Modi (trái) và Tổng thống Trump. Ảnh: AP

Do đó, cả hai đảng đang đặt cược lớn vào cộng đồng gốc Ấn. Chiến dịch của ông Biden đang nhờ vào quyền lực của người nổi tiếng gốc Ấn. Đầu tháng 10, họ đã tổ chức bữa tiệc ảo với người nổi tiếng như Mindy Kaling, Lilly Singh và Kumail Nanjiani nhằm nỗ lực tiếp cận và khuyến khích cử tri Ấn trẻ tuổi.

Tương tự, chiến dịch của Trump gần đây đã phát động “Tiếng nói Ấn Độ ủng hộ Trump”, một liên minh Mỹ gốc Ấn trong chính phủ và khu vực tư do con trai ông Trump dẫn đầu. Sứ mệnh của Donald Trump Jr. là vinh danh quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện với Ấn Độ và xây dựng quan hệ đối tác Mỹ-Ấn.

Mặc dù người Mỹ gốc Ấn có xu hướng thiên tả nhưng trong bốn năm qua, họ không có sự ràng buộc với đảng nào ở Mỹ. Do quan điểm của người Mỹ gốc Ấn có ảnh hưởng tới chính trị Ấn Độ nên ngày càng có nhiều tiếng nói bảo thủ trong cộng đồng những người Mỹ gốc Ấn sinh ra ở nước ngoài và quan tâm tới vấn đề nội bộ của Ấn Độ. Tổng thống Trump đã khiến một số nhà tài trợ nghiêng về cánh hữu, đặc biệt là những người coi ông là hình ảnh phản chiếu của Thủ tướng Modi. Người Mỹ gốc Ấn ủng hộ ông Trump đã tăng 8% từ năm 2016.

Trong bầu cử năm nay, cả hai đảng tiếp tục tranh giành nhóm cử tri này tại các bang chiến địa. Khi mà ngày càng tích cực trong chính trị, quyên góp nhiều hơn cho các ứng viên thì khó có thể bỏ qua hiện diện của nhóm gốc Ấn tại Mỹ. Cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều công nhận tầm quan trọng của cộng đồng này và do đó, họ đang trở thành tâm điểm trong tranh cử.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Bầu cử Mỹ 2020: Tổng thống Donald Trump bỏ phiếu sớm tại bang Florida
Bầu cử Mỹ 2020: Tổng thống Donald Trump bỏ phiếu sớm tại bang Florida

Tối 24/10 (giờ Việt Nam), sáng 24/10 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đi bỏ phiếu sớm tại bang Florida, một trong số bang chiến địa mà ông chủ Nhà Trắng cần phải giành đủ số phiếu đại cử tri để có thể đánh bại đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN