Sau hàng thập kỷ nỗ lực nghiên cứu để tự sản xuất các loại vũ khí hạng nặng, Ấn Độ đã bước đầu ra mắt được máy bay chiến đấu, xe tăng và tàu chiến. Nhưng khả năng Ấn Độ có thể tự sản xuất hàng loạt các loại trang thiết bị quốc phòng để phục vụ cho nhu cầu của quân đội vẫn còn là một thách thức. Điều này tạo cơ hội cho Nga duy trì chỗ đứng tại thị trường nhập khẩu vũ khí số 1 thế giới này.
Tự sản xuất vũ khí vẫn còn là thách thức
Trong số 30 nước tham gia triển lãm quốc phòng Defexpo India 2014 vào tháng trước (từ 6-9/2 tại Pragati Maidan, New Delhi) để bán vũ khí cho Ấn Độ, nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chỉ có Nga là nước duy nhất mạnh dạn trưng bày các loại vũ khí bên những phụ nữ trong trang phục bó sát đứng cạnh xe tăng và súng.
Sự tự tin và quyến rũ trong màn trình diễn phản ánh rằng Nga chiếm vị trí lâu dài với vai trò là nhà cung cấp vũ khí quân sự thống trị tại Ấn Độ, nhưng sau hàng thập kỷ nỗ lực của Ấn Độ để tự sản xuất vũ khí hạng nặng có thể cuối cùng đã tới lúc thu thành quả. Ấn Độ vừa qua đã hé lộ các loại vũ khí tự sản xuất được như máy bay chiến đấu, xe tăng, pháo di động và cả hạm đội tàu chiến.
Loại máy bay tiêm kích phản lực hạng nhẹ Tejas do Ấn Độ nghiên cứu sản xuất vừa được ra mắt. |
Nếu Ấn Độ thực sự thành công, Nga có thể gặp phải rắc rối vì Moskva hiện đang thực hiện hợp đồng trang thiết bị quân sự trị giá 39 tỷ USD cho New Delhi, tương đương với khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga. Tuy nhiên, việc Ấn Độ có thể từ bỏ được thói quen nhập khẩu vẫn là điều còn hoài nghi vì hiện tại Ấn Độ được cho là tiêu thụ khoảng 11 tỷ USD/năm để mua vũ khí từ nước ngoài, bất chấp hàng thập kỷ nỗ lực của chính phủ để gây dựng nền sản xuất quốc phòng.
Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Pieter D. Wezeman của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết: “Không có một nước nào khác trên thế giới đã cố gắng như Ấn Độ để chế tạo vũ khí và thất bại hoàn toàn”. Ông Wezeman cho biết ông nghi ngờ rằng những sản phẩm mới của Ấn Độ có thể thay đổi lịch sử và nhận định máy bay chiến đấu, xe tăng và pháo "made in India" có “chất lượng đáng ngờ”.
Theo học giả Manoj Joshi thuộc Quỹ Quan sát viên, một nhóm nghiên cứu chính sách có trụ sở ở New Delhi, vấn đề chính của Ấn Độ với vai trò là một nhà sản xuất vũ khí thì chính sự tham nhũng và thiếu hiệu quả trong việc sản xuất các loại vũ khí mũi nhọn cũng như sản xuất với số lượng lớn. Ông ví dụ, Ấn Độ có thể mua các máy bay chiến đấu Sukhoi được lắp ráp hoàn toàn ở Nga với giá 55 triệu USD/chiếc thay vì mua các linh kiện để gửi tới công ty Hindustan Aeronautics Limited của Ấn Độ để lắp ráp với giá lên tới triệu USD/chiếc, đắt hơn gần 1/4 lần.
Ấn Độ đã cố gắng thúc đẩy các công ty tư nhân sản xuất vũ khí tại Ấn Độ, theo phương pháp hợp tác với chính phủ hoặc sản xuất độc lập, nhưng rất ít nỗ lực thành công. Hầu hết các vũ khí của Ấn Độ được phát triển ở 50 phòng thí nghiệm của chính phủ và được sản xuất ở 8 cơ sở sản xuất lớn của chính phủ và 40 nhà máy quân nhu. Các công ty hầu như không thể làm việc với chính phủ và chính phủ không cho phép nhà sản xuất nước ngoài sở hữu nhiều hơn 26% bất kỳ nhà máy nào của Ấn Độ. New Delhi đã đồng ý tăng tỉ lệ sở hữu giới hạn lên 49% nhưng vẫn chưa có công ty xin phép.
Chuyên gia Joshi cho biết chính phủ Ấn Độ cần từ bỏ việc sản xuất. “Nền công nghiệp quốc phòng của chúng tôi dựa trên sự lỗi thời. Nó cần được giải tán và chuyển cho tư nhân”.
Cơ hội vẫn rộng cửa cho Nga
Sự bế tắc của Ấn Độ đã mở cửa cho các nước giống như Nga, nước có lượng vũ khí chuyển giao cho Ấn Độ đạt kỷ lục vào năm 2012, tăng 50% so với năm 2011. Trong 5 năm trước đó, Ấn Độ mua 12% lượng vũ khí nhập khẩu của thế giới và Nga cung cấp 79% lượng vũ khí của Ấn Độ, theo như kết quả nghiên cứu của Viện Stockholm. Mặc dù vừa qua Mỹ đã giành được một vài hợp đồng cung cấp vũ khí từ tay Nga nhưng Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí thống trị ở Ấn Độ. Năm 2012, Nga chuyển cho Ấn Độ tàu ngầm năng lượng hạt nhân thứ 2, loại tàu chưa có nước nào xuất khẩu.
Đại sứ Nga ở Ấn Độ Alexander Kadakin phủ định bất kỳ quan điểm nào vệ việc giảm bán vũ khí cho Ấn Độ. Ông phát biểu tại triển lãm quốc phòng: “Điều này không phù hợp với quan điểm của tôi và không chính xác khi phát biểu Nga có vẻ như mất đi vị trí đứng đầu ở thị trường Ấn Độ”.
Hiện tại, thị trường hàng không quân sự và dân sự Ấn Độ lôi cuốn tới mức các nhà sản xuất lớn đều mong muốn mở các cơ sở sản xuất tại nước này bằng bất kỳ cách nào để đẩy mạnh doanh số bán hàng. Năm 2010, Sikorsky Aircraft, một công ty của tập đoàn United Technologies của Mỹ, đã liên doanh với công ty Tata Advanced Systems của Ấn Độ mở một nhà máy ở thành phố Hyderabad (phía nam Ấn Độ) để lắp ráp buồng lái cho máy bay trực thăng tầm trung S-92. Việc sản xuất được chuyển sang Ấn Độ không phải vì giá thấp hơn mà vì việc có cơ sở sản xuất ở Ấn Độ có thể thúc đẩy bán hàng ở đây, ông Ashish Saraf, giám đốc chương trình của công ty liên doanh Tata-Sikorsky cho biết.
Các công nhân Ấn Độ trong nhà máy liên doanh Tata-Sikorsky sản xuất buồng lái cho máy bay trực thăng S-92. |
Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng nghèo nàn, luật lao động không có hiệu lực và khó khăn trong việc xin mặt bằng nên làm bất kỳ điều gì ở Ấn Độ đều khó khăn. Saraf cho biết: “Những chi phí ban đầu rất cao ở tất cả mọi nơi khi chúng tôi bắt đầu triển khai dự án mà muốn sử dụng tới các dịch vụ như internet, điện thoại, nước, nước thải, điện. Những thách thức tiếp tục đến với logistics và vận tải”.
Để thúc đẩy nhà sản xuất địa phương, Ấn Độ hiện tại yêu cầu các công ty sản xuất vũ khí nước ngoài phải thực hiện 1/3 quy trình sản xuất tại Ấn Độ, việc phân chia được tính bằng giá trị vũ khí. Tuy nhiên do sự khó khăn trong sản xuất thiết bị công nghệ cao ở Ấn Độ khiến hàng tỷ USD hàng hóa theo chương trình này đều xếp đống.
Hầu hết các binh chủng của quân đội Ấn Độ đều không muốn sử dụng phương tiện sản xuất trong nước. Rất nhiều máy bay chiến đấu được lắp ráp bởi công ty nội địa Hindustan Aeronautics đã gặp tai nạn trong những năm gần đây, khiến Không quân Ấn Độ gọi đây là những quan tài biết bay. Tàu ngầm và trang thiết bị hải quân của Ấn Độ do Nga sản xuất cũng đã nếm trải những tai nạn chết người, khiến người đứng đầu lực lượng hải quân phải từ chức vào ngày 26/2 vừa qua. Sự không tin tưởng nhau giữa các nhà sản xuất dân sự và nhà sử dụng quân đội đã biến nỗ lực sản xuất vũ khí tại Ấn Độ thành sự thất vọng lớn. Nếu cả hai bên không thể bằng lòng thì Nga luôn sẵn sàng nhảy vào.
Đức Trung (Theo New York Times)