Igor Ivanov, Chủ tịch Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga (1998-2004), bình luận trên tờ Rossiyskaya Gazeta ngày 27/1 cho rằng trong thời gian gần đây, không gian thông tin đã được lấp đầy với nhiều loại dự báo về ngày tận thế và các kịch bản cho diễn biến tình hình ở Ukraine. Nhiều nhà báo, chuyên gia và chính trị gia đã nói về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine không thể tránh khỏi, về việc chuẩn bị một cuộc đảo chính ở Kiev, về phản ứng cứng rắn từ phương Tây, và thậm chí về cuộc xung đột toàn cầu sắp tới với việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đối với Washington và các đồng minh châu Âu-Đại Tây Dương, chiến dịch tuyên truyền của họ tập trung vào “hành động gây hấn sắp xảy ra" của Nga ở Ukraine là có chủ đích. Nó cho phép họ chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề nội bộ của chính mình, đánh lạc hướng chú ý khỏi việc rút quân đáng xấu hổ của quân đội phương Tây tại Afghanistan.
Tập trung sự chú ý vào các sự kiện diễn ra xung quanh Ukraine, Nhà Trắng cũng đang tìm cách phản bác quan niệm phổ biến ở châu Âu rằng, định hướng Đại Tây Dương trong chính sách đối ngoại của Mỹ không còn là nền tảng trong hệ thống các ưu tiên của Mỹ mà nhường chỗ cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo ông Ivanov, nếu nhìn vấn đề này từ góc độ của Ukraine, phải thừa nhận rằng có khá nhiều lực lượng ở Ukraine, vì nhiều lý do khác nhau, quan tâm đến việc khơi dậy thông tin kích động xung quanh mối quan hệ với Nga. Họ bắt đầu từ thực tế rằng với vai trò là "nạn nhân" của Nga có thể mang lại cho Ukraine lợi ích.
Thứ nhất, theo ý kiến của họ, trong tình huống như vậy, việc thực hiện một kế hoạch hình thành bản sắc dân tộc mới sẽ dễ dàng hơn. Thứ hai, với những điều kiện này, phương Tây có thể sẵn sàng làm ngơ trước các vụ bê bối chính trị nội bộ, tham nhũng và các vấn đề khác ở Ukraine. Thứ ba, bằng cách trở thành "nạn nhân" của Nga, họ sẽ nhận được sự hỗ trợ kinh tế và quân sự tăng cường. Thứ tư, nhiều hành động tuyên truyền của Nga chỉ làm gia tăng tình cảm chống Nga ở chính Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với các hãng thông tấn, truyền thông nhà nước cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng tuyên bố với sự tiếc nuối rằng ở một mức độ nào đó, Ukraine đã trở thành một "món đồ chơi" trong tay NATO và đặc biệt là trong tay Mỹ, được sử dụng như một công cụ gây áp lực địa chính trị đối với Nga. Ông Medvedev bày tỏ chắc chắn "dù điều này nghe có vẻ đáng buồn đối với người Ukraine, nhưng đối với người Mỹ và người châu Âu thì Ukraine là không cần thiết", nhấn mạnh rằng: "Đó là lập luận trong trò chơi địa chính trị chống lại Nga, và ở chứng mực nào đó, thậm chí chống lại cả Trung Quốc. Do đó, những căng thẳng trước hết liên quan đến điều này. Mặt khác, những căng thẳng này còn liên quan đến lộ trình đã được chính quyền Ukraine thực hiện trong những năm gần đây”.
Về phần mình, nhà báo chuyên về chính trị và chính sách đối ngoại Mỹ Lee Smith, học giả tại Viện Hudson nhận định, đối với tất cả các lý thuyết mà các phương tiện truyền thông và các chuyên gia đưa ra để giải thích tình hình căng thẳng leo thang ở Ukraine, họ đã che giấu sự thật rằng Chính quyền Biden coi Ukraine như một công cụ để thúc đẩy các lợi ích đảng phái ở cả trong nước và nước ngoài.
Năm 2013, Chính quyền Barack Obama coi phong trào biểu tình Maidan là cơ hội để lật đổ Chính phủ Ukraine thân Nga. Vài năm sau, chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton đã sử dụng các quan chức và nhà hoạt động Ukraine để thúc đẩy một hoạt động tình báo nhắm vào đối thủ của bà là Donald Trump.
Ông Smith lưu ý, Washington tuyên bố rằng hàng trăm nghìn quân Nga ở biên giới Ukraine đe dọa an ninh của NATO và châu Âu, nhưng cũng có thể lực lượng Nga được triển khai ngay sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức nhằm thể hiện thế trận phòng thủ của Moskva. Đây là bối cảnh cần thiết để hiểu được yêu cầu của Nga nhằm đảm bảo an ninh rằng NATO sẽ không mở rộng về phía Đông - nghĩa là sẽ không kết nạp Ukraine. Theo quan điểm của Moskva, Chính quyền Biden vẫn sử dụng lá bài Ukraine để gây bất ổn cho Nga.
Về tổn thất của cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga, phương Tây và Ukraine, ông Ivanov cho rằng nó sẽ có những chi phí chính trị, quân sự và kinh tế đối với tất cả và sẽ không dễ dàng phục hồi chỉ trong nhiều năm, mà có thể trong cả thập kỷ. Hậu quả của một cuộc chiến tranh lớn ở trung tâm châu Âu sẽ lâu dài không kém hậu quả của vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, vốn để lại hậu quả gần bốn mươi năm nay. Ai sẵn sàng chấp nhận rủi ro như vậy?