Năm đề xuất trong kế hoạch là: lời mời Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay lập tức, tăng quy mô cung cấp vũ khí của phương Tây, dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí chống các mục tiêu bên trong nước Nga, NATO triển khai năng lực răn đe chiến lược tại Ukraine, đầu tư của phương Tây vào nền kinh tế Ukraine và đóng góp của Ukraine vào an ninh châu Âu trong tương lai khi chiến tranh kết thúc.
Ông Stefan Wolff - Giáo sư An ninh Quốc tế tại Đại học Birmingham - nhận định, xét về mặt quân sự, ba yêu cầu đầu tiên trong kế hoạch chiến thắng của Ukraine là quan trọng nhất. Tuy nhiên, xét về mặt chính trị, chúng hoàn toàn không có triển vọng khi cuộc tranh cãi ngoại giao trong tháng qua là chứng minh rõ ràng.
Trong khi đó, xác nhận duy nhất cho đến nay từ Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot về kế hoạch này cũng chỉ là sự xác nhận có điều kiện. Trong chuyến thăm Kiev vào ngày 19/10, ông Barrot bày tỏ hy vọng kế hoạch chiến thắng của Tổng thống Zelensky sẽ đạt được tiến triển và tập hợp được số lượng đông nhất có thể các quốc gia ủng hộ kế hoạch này.
Tuy nhiên, kế hoạch này dường như đang bị nhiều đối tác chủ chốt của ông Zelensky phớt lờ.
Phản ứng trái chiều từ các đồng minh
Bài phát biểu của ông Zelensky về kế hoạch chiến thắng tại Quốc hội diễn ra sau những bài phát biểu trước đó với các nhà lãnh đạo tại Mỹ vào cuối tháng 9 và nhiều nước châu Âu vào đầu tháng 10.
Tại Washington, Ukraine đã nhận được đảm bảo hỗ trợ trị giá 8 tỷ USD cho viện trợ quân sự.
Tại châu Âu, chỉ có Đức cam kết hỗ trợ quân sự thêm 1,5 tỷ USD, khoản này sẽ được cung cấp chung với Bỉ, Đan Mạch và Na Uy. Các cuộc họp ở London, Paris và Rome không đưa ra cam kết mới hữu hình nào cho Kiev.
Hơn nữa, một cuộc họp rất được mong đợi vào ngày 12/10 của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine gồm 57 quốc gia phương Tây (còn được gọi là nhóm Ramstein) đã bị hủy bỏ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hủy chuyến thăm Đức do siêu bão Milton. Cuộc họp sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào tháng 11.
Chuyến thăm Đức được lên lịch lại của ông Biden cuối cùng đã diễn ra vào ngày 18/10. Sau đó, ông Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức một cuộc họp. Tất cả các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ Ukraine - nhưng không đưa ra cam kết viện trợ bổ sung đáng kể nào cho Kiev.
Trước khi rời Đức, ông Biden tái khẳng định các đồng minh chưa đạt được đồng thuận về việc cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa và cho phép sử dụng chúng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga - điều mà Ukraine từ lâu đã yêu cầu và là yếu tố cốt lõi trong kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky.
Ông Zelensky không được mời tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp và Anh. Song ông đã có cơ hội phát biểu trước các nguyên thủ quốc gia, quan chức chính phủ trong EU và các bộ trưởng quốc phòng NATO tại các cuộc họp ở Brussels vào ngày 17/10. Tuy nhiên, không có cuộc họp nào đưa ra kết quả báo hiệu bước thay đổi cần thiết trong sự ủng hộ của phương Tây nhằm xoay chuyển tình thế trong cuộc chiến với Nga, theo hướng có lợi cho Ukraine.
Những khó khăn và hạn chế của EU trong việc duy trì mặt trận thống nhất đã được thể hiện rõ trong các kết luận của hội đồng rằng: “Sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự theo cách hoàn toàn tôn trọng chính sách an ninh, quốc phòng của một số quốc gia thành viên và tính đến lợi ích an ninh và quốc phòng của tất cả các quốc gia thành viên”.
Một số quốc gia thành viên – gồm Hungary và Slovakia – vẫn phản đối tư cách thành viên NATO của Ukraine.
Vấn đề NATO
Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022. Ông Zelensky tin rằng lời mời chính thức gia nhập NATO là “cách duy nhất” để Ukraine có thể tồn tại sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Nhưng yêu cầu quan trọng của Ukraine vẫn còn vượt xa những gì các thành viên của liên minh có thể đáp ứng. Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã nhiều lần né tránh các câu hỏi liên quan đến vấn đề này tại cuộc họp báo hôm 18/10. Ông lưu ý tư cách thành viên của Ukraine “là điều chúng tôi đang tiếp tục tranh luận”.
“NATO vẫn đang nỗ lực thành lập một cơ sở hỗ trợ an ninh và đào tạo cho Ukraine như bộ chỉ huy chuyên trách, dự kiến sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn trong những tháng tới”, ông Rutte nói.
Những cam kết từ các đồng minh phương Tây cũng được nhắc lại trong cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng quốc phòng thuộc nhóm G7. Song Giáo sư Wolff nhận định vấn đề không phải là những cam kết này không chân thành hay chúng sẽ không thành hiện thực, mà là liệu chúng có đến được Ukraine kịp thời hay không?
Trên chiến trường, lực lượng Ukraine đã mất kiểm soát một số lãnh thổ đã chiếm của Nga ở khu vực Kursk. Trên tiền tuyến ở Donbass, lực lượng Nga tiếp tục đạt được những bước tiến ổn định, đặc biệt là ở khu vực Donetsk, nơi họ đang tiến gần đến trung tâm hậu cần chiến lược Pokrovsk. Ở vùng đông bắc Kharkiv, áp lực từ Nga cũng tăng lên, buộc phải sơ tán Kupiansk, thành phố cách Kharkiv khoảng 100km về phía Đông.
Lực lượng Nga cũng tiếp tục tấn công vào cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Ukraine và tăng cường các cuộc tấn công vào Odessa, cảng Biển Đen quan trọng nhất của Ukraine và Mykolai - trung tâm hậu cần nội địa quan trọng trên sông Bug.
Nga cũng giành được ưu thế trên không, một phần do Ukraine thiếu hụt hệ thống phòng không, một phần là nhờ Moskva sở hữu nhiều thiết bị bay không người lái và tên lửa có thể triển khai chống lại Ukraine.
Trong khi đó, phương Tây ngày càng mệt mỏi đối với việc ủng hộ Ukraine sau 2 năm rưỡi xung đột với Nga - một phần là do tốc độ chậm chạp trong việc đưa ra các cam kết bổ sung và thực hiện các cam kết hiện có. Ngoài ra, còn có sự không chắc chắn về kết quả của cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5/11 và các vấn đề mà Đức, Pháp và Anh phải đối mặt trong nước. Tất cả đều chỉ ra thực tế rằng các đối tác chính của ông Zelensky có thể đã không còn ủng hộ ông nữa.