Tờ "Washington Post" lưu ý đến thời điểm diễn ra chuyến công du, chỉ vài ngày sau khi quốc tế dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang nôn nóng muốn xuất hiện đúng lúc chính phủ Iran đang cố thoát khỏi thế bị cô lập về ngoại giao và ký kết những thỏa thuận với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân Iran gây leo thang căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia, một số người cho rằng mục tiêu của ông Tập Cận Bình là muốn phát đi một thông điệp rằng, sẽ là khôn ngoan nếu như cả Riyadh lẫn Tehran xem Trung Quốc - chứ không phải Mỹ - là đối tác của tương lai.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Quốc vương Saudi Arabia, Abdulaziz Al Saud dự lễ khánh thành nhà máy lọc dầu Yasref, dự án liên doanh giữa hai nước, ngày 20/1. Ảnh: Tân Hoa xã/TTXVN |
Tờ báo dẫn lời Patrick Cronin, Giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh nước Mỹ mới tại Washington, nói: "Trung Quốc muốn được coi là một cường quốc đang lên có thể khôi phục trật tự cho Trung Đông đang hỗn loạn, nơi mà Mỹ ngày càng bị xem là không còn chi phối được đời sống chính trị của khu vực. Giữa lúc chính sách của Mỹ tại khu vực bị đảo lộn với việc theo đuổi hòa bình với Iran, trong khi chọc giận những người bạn như Saudi, Israel thì Trung Quốc đang dùng tiền để lấp chỗ trống quyền lực đó. Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò cường quốc trung lập có thể làm dịu căng thẳng và thúc đẩy sự phát triển, trong khi Mỹ đang mất rất nhiều động lực, nếu không nói là uy tín, tại khu vực đang bị chia rẽ sâu sắc này".
Bài viết trên trang mạng "Bloomberg" cũng cho rằng chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Trung Đông là nhằm thể hiện sự sẵn sàng gây ảnh hưởng về ngoại giao lên một trong những khu vực biến động nhất thế giới. Chuyến công du 5 ngày lần lượt tới Riyadh, Cairo và Tehran là chuyến thăm Trung Đông đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây 3 năm, đồng thời đánh dấu mốc kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ giữa Bắc Kinh và Liên đoàn Arập.
Bài viết dẫn lời ông Michael Singh, Giám đốc điều hành Viện Chính sách Cận Đông của Washington và nguyên là cố vấn khu vực cho Hội đồng An ninh Quốc gia, nói: "Trung Quốc tự nhận thấy bản thân phải can dự vào những cuộc xung đột và các tranh cãi ngoại giao của khu vực. Iran đang mang lại cơ hội chiến lược cho Trung Quốc. Trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách thể hiện quyền lực trên toàn cầu nhằm bảo vệ những lợi ích của mình, thì Iran sẽ là đối tác quan trọng nhất của họ tại Trung Đông". Do đó, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có thể duy trì tính trung lập tại Trung Đông đến bao giờ khi mà ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của nước này đặt họ vào thế cạnh tranh chiến lược với Mỹ tại khắp mọi nơi trên thế giới? Sự cạnh tranh này là có lợi cho Iran hơn là cho Saudi Arabia. Ông Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng quốc tế kỳ cựu của viện RAND Corporation, cho rằng ngoài việc tạo cơ hội để Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu của Saudi, Tehran còn có thể trở thành đối tác quan trọng giúp ông Tập thách thức trật tự quốc tế hiện đang do phương Tây chi phối.
Chú trọng tới khía cạnh kinh tế, bài viết trên tờ "Wall Street Journal" lưu ý chuyến công của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Saudi Arabia và Iran, hai quốc gia cung cấp tới gần 1/4 tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2015, đang cắt đứt quan hệ ngoại giao. Bài viết dẫn lời ông Gordon Kwan, người phụ trách bộ phận nghiên cứu dầu và khí đốt khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Viện Nomura, cho rằng ông Tập Cận Bình muốn nhận được những lời hứa rằng Saudi Arabia và Iran sẽ đảm bảo sự ổn định địa chính trị của khu vực. Bởi lẽ, do sự phụ thuộc nặng nề của Trung Quốc vào khu vực, bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng đều có thể biến thành thảm họa đối với nền kinh tế Trung Quốc.