Bình luận với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây, Ali Bakir - Giáo sư về các vấn đề quốc tế, an ninh và quốc phòng tại Đại học Qatar, thành viên cấp cao không thường trú tại Chương trình Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) - cho rằng cuộc xung đột giữa Israel và Hamas năm 2023 đã làm dấy lên một loạt suy đoán về tương lai của Dải Gaza và ai sẽ nắm quyền ở đó khi cuộc giao tranh chấm dứt. Những câu hỏi này không chỉ có ý nghĩa then chốt đối với tương lai trước mắt của Gaza và người Palestine mà còn có ý nghĩa sâu rộng đối với khu vực Trung Đông rộng lớn hơn.
Trọng tâm của thảm họa đang diễn ra liên quan đến số phận của Hamas, lực lượng quản lý trên thực tế ở Gaza sau cuộc bầu cử năm 2006. Kể từ khi quyết định đưa quân vào Gaza ngày 27/10, giới chức Israel đã khẳng định mục tiêu là “tiêu diệt” Hamas. Tuy nhiên, hành động đánh bại Hamas trong trường hợp này không được xác định rõ ràng nên điều đó gần như không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, bất chấp mục tiêu đã tuyên bố này là gì, hậu quả từ hoạt động quân sự của Israe mở ra một loạt các kịch bản, mỗi kịch bản đều có những phức tạp và thách thức riêng.
Kịch bản sự trở lại của Chính quyền Palestine (PA)
Lựa chọn này dường như khó thành công, do ảnh hưởng của Israel đối với PA và uy tín của PA đối với người Palestine dưới thời Mahmoud Abbas đã giảm sút. Israel cho đến gầy đây đã liên tục gây áp lưc và làm suy yếu thẩm quyền của PA nhằm làm chệch hướng giải pháp hai nhà nước, đồng thời tuyên bố rằng phía Palestine không có đối tác phù hợp.
Dù chính quyền Tổng thống Biden ở Mỹ đã ám chỉ PA có thể quay trở lại nắm quyền ở Gaza, nhưng tính thực tiễn và khả năng chấp nhận đề xuất này vẫn còn nhiều nghi vấn. Ngoài ra, việc kế hoạch khôi phục quyền kiểm soát của PA ở Dải Gaza còn mơ hồ và có thể bị ảnh hưởng bởi các thế lực bên ngoài.
Sức chịu đựng và ảnh hưởng của Hamas ngày càng tăng
Hamas được thành lập vào năm 1987 sau khi phong trào Intifada đầu tiên của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel bùng nổ. Nhóm này vẫn tồn tại trong xã hội và chính trị Palestine. Theo nghĩa này, có vẻ không thực tế với mục tiêu của Israel nhằm tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Hơn nữa, sau cuộc chiến đang diễn ra của Israel ở Gaza, theo báo cáo, uy tín của Hamas đã tăng lên, đặc biệt là sau các sự kiện gần đây, cho thấy rằng tổ chức này tiếp tục duy trì ảnh hưởng và nhận được sự hỗ trợ đáng kể trong xã hội Palestine như một lực lượng kháng cự chống lại sự chiếm đóng của Israel.
Trong bối cảnh này, khả năng Hamas tham gia cùng PA để quản lý Dải Gaza có thể khả thi hơn nếu Marwan al-Barghouthi, một nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc bị Israel cầm tù từ năm 2002, đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Tổ chức Giải phóng Palestine và PA. Điều này đòi hỏi sự công nhận từ Mỹ và châu Âu đối với nhà nước Palestine tự do, độc lập và có chủ quyền, cũng như việc hiện thực hóa nó một cách hiệu quả.
Sự can dự của bên ngoài
Trong cuộc xung đột Israel - Hamas đang diễn ra, một số quan điểm đã xuất hiện liên quan đến sự hiện diện quân sự quốc tế hoặc lực lượng Arab ở Gaza thời hậu chiến. Tuy nhiên, các nước Arab đã bác bỏ đề xuất này. Đằng sau những cuộc họp kín, một số ý tưởng khác đã được cân nhắc, chẳng hạn như vai trò tiềm năng của các chính phủ trong Hiệp định Abraham (thỏa thuận giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain dưới sự bảo trợ của chính phủ Mỹ).
Vài ngày trước, Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết Saudi Arabia và UAE sẽ tài trợ cho việc tái thiết Dải Gaza sau chiến tranh. Tuy nhiên, UAE cho biết họ sẽ đưa ra điều kiện hỗ trợ tài chính và chính trị cho việc tái thiết Gaza dựa trên sự thúc đẩy sáng kiến do Mỹ hậu thuẫn hướng tới giải pháp hai nhà nước.
Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất một hệ thống bảo lãnh trong đó các quốc gia trong khu vực và bên ngoài đóng vai trò là nhà bảo lãnh cho cả người Palestine và Israel. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng trở thành một trong những nhà bảo lãnh cho Palestine bằng viện trợ nhân đạo, hỗ trợ chính trị và quân sự. Chúng tôi kêu gọi các nước có ý chí mạnh mẽ xem xét đề nghị của chúng tôi”.
Vấn đề với tất cả các hình thức can dự này là thực tế không một quốc gia nào, đặc biệt là Mỹ và các quốc gia châu Âu, sẵn sàng ngăn chặn hành động của Israel, nước đã bỏ qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, buộc nước này phải chịu trách nhiệm, hoặc chịu hậu quả nếu vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào được chấp nhận.
Israel trực tiếp kiểm soát quân sự ở Gaza
Năm 2005, Israel tuyên bố chấm dứt chiếm đóng Gaza. Tuy nhiên, tuyên bố này mâu thuẫn với thực tế, khi Israel tiếp tục có “quyền kiểm soát hiệu quả” đối với Gaza, điều này có nghĩa là về mặt pháp lý, chiếm đóng mà không cần hiện diện trên thực địa. Sau cuộc tấn công vào Gaza vào tháng 10 vừa qua, Israel cho biết họ có ý định kiểm soát an ninh tổng thể đối với Gaza. Kịch bản này có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức, bao gồm cả việc giảm quy mô và dân số của Gaza.
Israel được cho là đã đưa ra ý tưởng tạo ra một vùng đệm giữa Gaza và Israel từ phía Bắc đến phía Nam để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công “bất ngờ” nào nhằm vào Israel trong tương lai. Đề xuất này sẽ là một phần của quy trình 3 bước bao gồm “tiêu diệt Hamas, phi quân sự hóa Gaza và phi cực đoan hóa khu vực này”.
Israel đã từng thử những kế hoạch này trước đây, cả ở Palestine và Liban, và họ đã thất bại thảm hại vì chừng nào còn chiếm đóng thì sẽ có sự phản kháng. Tổng thư ký Phong trào Sáng kiến Quốc gia Palestine (PNI), Mustafa Barghouthi, lập luận: “Đó là lý do tại sao mục tiêu của Thủ tướng Netanyahu là thanh lọc sắc tộc. Ông ấy muốn kiểm soát quân sự ở Gaza mà không cần người dân”.