Vì sao Donald Trump khó giành chiến thắng?

Donald Trump có thể sẽ là một sự thay đổi quá lớn. Các cử tri sẽ cảm thấy tức giận hơn bây giờ rất nhiều nếu họ bầu ra một ứng cử viên thất thường, thô lỗ và không đủ tư cách như ông Trump.

Donald Trump, ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa. Ảnh: Reuters.

Ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump khẳng định: “Tôi được người dân ủy thác để trở thành tổng thống”. Đây là điều ông đã dùng để phản bác lại sức ép từ phía các thành viên đảng Cộng hòa muốn ông trở nên ôn hòa, và cư xử giống một “tổng thống” hơn.

Dĩ nhiên Donald Trump có lý do để tin rằng ông ta có thể dẫn đầu đảng Cộng hòa. Donald Trump đã đánh bại 16 ứng cử viên khác trong đảng, và tính tới ngày 15/5, ông đã giành được khoảng 11 triệu phiếu của các đảng viên Cộng hòa, tương đương 41% phiếu ủng hộ trên tổng số 27 triệu phiếu tại các vòng bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, Donald Trump sẽ phải đối mặt với các cử tri hoàn toàn mới vào tháng 11/2016. Khoảng 129 triệu người Mỹ đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney khi đó đã nhận được sự ủng hộ của gần 61 triệu người song ông vẫn thất bại trước Tổng thống Barack Obama. Để có thể bước vào Nhà Trắng, Donald Trump nhiều khả năng sẽ phải thu hút được thêm ít nhất là 54 triệu cử tri nữa. 

Donald Trump hiểu rõ rằng ông ta đã trở thành người đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống bằng cách có những phát biểu cay độc và khiêu khích. Donald Trump rõ ràng không phải là một chính trị gia điển hình, song vì sao ông ta phải thay đổi? Trả lời phỏng vấn tờ “New York Times”, Donald Trump nói: “Tôi giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ, và giờ đang chuẩn bị bước vào ‘Giải đấu Quốc gia”… Mọi người thích cách mà tôi đang làm”. Donald Trump dường như đang đi ngược lại “quy tắc Nixon” - lời khuyên Tổng thống Richard M. Nixon từng đưa ra cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa - là “giành được sự ủng hộ của phe cánh hữu trong các vòng bầu cử sơ bộ và rồi sau đó hướng đến những người trung lập trong cuộc tổng tuyển cử”.

Trên thực tế, việc Donald Trump giành được đề cử của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng không hề liên quan tới tư tưởng trên. Donald Trump chỉ quan tâm tới duy nhất một điều là “chiến thắng”, và điều duy nhất mà ông ta tin là chính bản thân mình. Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do tại sao phe bảo thủ không tin tưởng ông. Những người dẫn đầu phe bảo thủ như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan hiện đang nỗ lực lôi kéo Donald Trump sang hướng thiên hữu, song ông ta từng đáp trả: “Đây được gọi là đảng Cộng hòa chứ không phải là đảng Bảo thủ”.

Việc hướng về các cử tri trung lập, như trong nguyên tắc Nixon, nghĩa là tìm những vấn đề được đa số cử tri đồng tình. Donald Trump tin rằng ông ta có thể làm được điều đó bằng cách tạo ra một làn sóng tức giận trong dư luận. Số cử tri bất bình ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong năm nay là tương đối nhiều. Bernie Sanders đã giành được gần 9,5 triệu phiếu ủng hộ trong các vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ bằng cách thu hút các cử tri đang không hài lòng về tình hình tài chính ở Phố Wall và về giới lãnh đạo đảng Dân chủ. Ông Sanders là người đại diện cho chủ nghĩa dân túy kinh tế, kích động sự giận dữ của đại bộ phận người dân với “1%” những người giàu có. Trong khi đó, Donald Trump là người hướng đến chủ nghĩa dân túy văn hóa, chĩa mũi dùi về phía người di cư, người nước ngoài, người Hồi giáo, người Latin, người da đen và phụ nữ. Donald Trump cũng tìm cách gia tăng chủ nghĩa dân túy kinh tế bằng cách chỉ trích các thỏa thuận thương mại, đề cập tới việc tăng lương tối thiểu và đánh thuế cao hơn đối với người giàu. Tuy nhiên, điều này càng khiến giới bảo thủ thêm hoài nghi.

Sự giận dữ chia rẽ người dân Mỹ nhiều hơn là đoàn kết họ. Đảng Cộng hòa đã gây được một số ảnh hưởng nhất định và đưa Donald Trump ngả về phía cánh hữu với việc ông này bắt đầu có những thay đổi trong quan điểm về vấn đề thuế, và thậm chí còn nhắc đến khả năng ủng hộ kế hoạch giảm thuế cho người giàu. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Dân chủ ngày càng có xu hướng thiên tả. Bà tuyên bố nếu đắc cử sẽ mở rộng Medicare để giúp có thêm nhiều người Mỹ tham gia chương trình bảo hiểm xã hội quốc gia này. 

Hai đối thủ đang dẫn đầu trên đường đua vào Nhà Trắng.

Bà Clinton và ông Trump là hai nhân vật hoàn toàn đối lập. Họ đại diện cho cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn giữa những người ủng hộ các giá trị của nước Mỹ Mới và nước Mỹ Cũ. Nước Mỹ Mới gồm cả những người di cư, các cộng đồng thiểu số, phụ nữ, người đồng tính, các chuyên gia có trình độ cao và những người phi tôn giáo, những người từ lâu vẫn bị gạt ra ngoài lề các hoạt động chính trị tại Mỹ và đã lên "nắm quyền" cùng với Tổng thống Obama. Trong khi đó, Nước Mỹ Cũ là tư tưởng đại diện cho sự giận dữ và bất bình của những người đàn ông da trắng, người da trắng ở miền Nam, phe bảo thủ, những người không muốn nhượng bộ, bất chấp cả xung đột. Đối với họ, Donald Trump là người đại diện cho sự cương quyết chống lại các giá trị của nước Mỹ Mới. 

Tuy nhiên, vấn đề then chốt trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây có thể vẫn sẽ giống với các cuộc bầu cử trước đây - lựa chọn giữa tiếp tục hay thay đổi. Sheldon Adelson, nhà tài trợ lớn của phe bảo thủ, viết: “Nếu những người Cộng hòa không đoàn kết lại để ủng hộ Donald Trump, ông Obama sẽ về cơ bản sẽ giành được điều mà Quốc hội không cho phép - một nhiệm kỳ thứ ba dưới tên bà Hillary Clinton”. Liệu lời đe dọa về “một nhiệm kỳ thứ ba” của Tổng thống Obama có thành công trong việc kêu gọi sự ủng hộ của đảng Cộng hòa đối với Donald Trump hay không? Câu trả lời có lẽ là không bởi hai lý do. Thứ nhất, tỷ lệ ủng hộ của người dân dành cho Tổng thống Obama đang liên tục tăng khi ngày càng có nhiều người Mỹ tin rằng nền kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục. Thứ hai, Donald Trump có thể sẽ là một sự thay đổi quá lớn. Các cử tri sẽ cảm thấy tức giận hơn bây giờ rất nhiều nếu họ bầu ra một ứng cử viên thất thường, thô lỗ và không đủ tư cách như ông Trump.

Bất chấp sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và làn sóng giận dữ trong dư luận, có nhiều “quy tắc” trên chính trường vẫn không hề thay đổi suốt từ thời cựu Tổng thống Nixon. Rõ ràng để giành chiến thắng và bước vào Nhà Trắng, người ta cần sự ủng hộ của cả một liên minh lớn mạnh.

TTXVN/Tin Tức
Vợ ông Trump: Chồng tôi không phải Hitler
Vợ ông Trump: Chồng tôi không phải Hitler

Vợ tỷ phú Donald Trump tuyên bố chồng bà "không phải là Hitler" trong cuộc phỏng vấn với tạp chí DuJour.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN