Quan điểm của người Mỹ
Sau khi toàn bộ phiếu đã được kiểm, kết quả cho thấy nếu tính theo phổ thông đầu phiếu, ông Trump và bà Clinton có khoảng cách rất sít sao. Nhiều cử tri bỏ phiếu cho ông Trump là những người giận dữ trước chủ nghĩa tự do của Chính quyền Barack Obama. Nhiều người Cộng hòa không thiện cảm với ông Trump và cho rằng ông không phải là một nhân vật bảo thủ thực sự. Tuy nhiên, họ lo sợ trước nguy cơ nước Mỹ có một chính quyền tự do dưới sự dẫn dắt của bà Hillary Clinton hơn. Kết quả cuối cùng cho thấy có tới 90% cử tri đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho ông Trump.
Ông Trump cũng thu hút một lượng lớn cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, những người trước đây từng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Họ cảm thấy bị đe dọa bởi những thay đổi đang diễn ra trong nước, từ toàn cầu hóa, mất việc làm, dòng người nhập cư và những khuôn mẫu chính trị. Những người ủng hộ ông Trump được khích lệ bởi thái độ cứng rắn và thách thức mà ông nhằm vào chính quyền Washington, nhằm vào truyền thông, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa và thậm chí là cả những giá trị đạo đức cố hữu.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu tại New York ngày 9/11. |
Khẩu hiệu của ông Trump - “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” - đã thôi thúc họ, bởi họ muốn khôi phục một nước Mỹ đầy ánh hào quang trong quá khứ, nơi không có nhiều người nhập cư như ngày nay, nơi những người da trắng nắm quyền điều hành mọi thứ và quyền lực của Mỹ trên thế giới hoàn toàn không thể bị thách thức.
Những người bỏ phiếu cho ông Trump là những người tìm kiếm sự thay đổi. Ông Trump mang đến hy vọng về sự thay đổi bởi một lý do vô cùng đơn giản, ông ấy không phải là Tổng thống Obama. Nhà lãnh đạo da màu này được nhiều người dân kính trọng, song họ xem ông là quá “mềm mỏng và hài hòa”, rằng ông đã khiến họ thất vọng khi không thể đem đến những “hy vọng và thay đổi” mà ông từng hứa hẹn. Với lý do này, rất khó để họ tìm thấy cảm hứng từ bà Clinton, ứng cử viên được xem là người ủng hộ việc giữ nguyên trạng. Trong con mắt của nhiều cử tri, ông Donald Trump là nhà lãnh đạo có thể thúc đẩy mọi thứ.
Thiên kiến của truyền thông
Truyền thông, trong đó có cả Reuters, đã thiên về hai hướng thăm dò dư luận. Trong đó, một cuộc thăm dò quy mô toàn quốc nhằm ước tính số lượng phổ thông đầu phiếu, song không phải kết quả tại từng bang cụ thể - điều quyết định cuộc chạy đua. Kết quả là thực tế bà Clinton giành được nhiều phiếu phổ thông hơn Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump, song không nhiều như kết quả các cuộc thăm dò, và cũng không đủ nhiều để đảm bảo cho bà một chiến thắng chung cuộc. Một hướng thăm dò khác là các tính toán về khả năng chiến thắng của hai ứng cử viên. Các tính toán này dựa trên kết quả nhiều cuộc thăm dò tại từng bang cụ thể, và đều kết luận rằng bà Clinton có nhiều cơ hội hơn đối thủ của mình. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò này lại không tính đến sự biến động và thay đổi của các nhóm cử tri tại nhiều bang. Rõ ràng, nhiều người ngạc nhiên trước chiến thắng của ông Trump, và thậm chí còn gọi đó là “cú lội ngược dòng” là bởi các nhà phân tích ý kiến dư luận về cơ bản đã mắc sai lầm.
Theo ông Cliff Young - Giám đốc Ipsos, đối tác thăm dò dư luận của Reuters - cho rằng sai lầm là ở chỗ họ đã tính toán kết quả bầu cử dựa trên xu hướng các nhóm cử tri mà họ dự đoán là sẽ đi bầu. Về cơ bản, điều này sẽ bỏ sót thực tế là tỷ lệ cử tri thuộc các nhóm dân cư khác nhau không giống nhau, và thực tế là số cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn dự đoán, một kết quả nhìn chung là có lợi cho ứng cử viên đảng Cộng hòa.
Xét cho cùng, có lẽ việc ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng không thực sự là một cú sốc đối với nhiều người, chỉ có điều họ chưa chuẩn bị cho thực tế ấy.