Trong 2 ngày 15 và 16/5, Toà án Nhân dân Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 4 bị cáo: Lê Quốc Hùng (sinh 1992, tên thường gọi Hùng Linh), Trần Hoài Kỷ (1979, tên thường gọi Đông Bu), Nguyễn Anh Tú (1988, tên thường gọi Tú Mai), Võ Thanh Tuấn (1987, tên thường gọi Tuấn Chuột), cùng trú TP Vinh là những đối tượng đã chém Nhà báo Võ Thanh Mai (phóng viên trường trú Báo Nông Nghiệp Việt Nam khu vực Bắc Trung Bộ) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo Cáo trạng của VKSND Thành phố Vinh: Ngày 28-5-2011, Kỷ đến nhà là Lê Văn Linh (41 tuổi, tự Linh “cọt”, cha của bị cáo Hùng, trú phường Hà Huy Tập, TP Vinh chơi thì Linh “cọt” nói: “Có lẽ ít bữa nữa phải dạy cho nhà báo này bài học để khỏi tọc mạch chuyện người khác”. Sáng 30-5-2011, Hùng gọi điện cho Kỷ nói: “Chú lên đây với cháu để dạy cho ông nhà báo ni bài học”. Kỷ nhất trí và gọi thêm Tuấn Chuột, Tú Mai với nội dung: “Đi có việc”. Sau đó, Tú lấy xe máy chở Tuấn đến đón Kỷ cùng đi, khi đi đến điểm giao nhau đường Nguyễn Văn Cừ và Lê Hồng Phong, thành phố Vinh thì cả 3 dừng lại. Một lúc sau Hùng Linh đến thì Kỷ dặn Tú và Tuấn “chờ tý” rồi lên xe về nhà Hùng lấy con dao Mẹo (sắc, nhọn, dài 50 cm), dắt ở hông xe máy và quay lại nơi hẹn. Tại đậy Kỷ tiếp tục dặn Tú và Tuấn “đứng chờ tý”, còn Kỷ và Hùng chạy xe ra đường Lê Nin để theo dõi nhà báo Võ Thanh Mai. Một lúc sau thấy Nhà báo Võ Thanh Mai đi xe ô tô con chạy trên đường Lê Nin rẽ vào đường Lê Hồng Phong thì Hùng điều khiển xe máy chở Kỷ bám theo và điện thoại cho Tú nói: “Bám theo chiếc xe ô tô màu đen đang chuẩn bị lên”. Nghe lời Kỷ, Tuấn điều khiển xe máy chở Tú bám sau xe của anh Mai. Khi xe chạy đến số 2, đường Lê Hồng Phong thì anh Mai vào đổ xăng. Kỷ nói với Tú: “Sang chém ông nhà báo đi xe ô tô đang đổ xăng”. Tú đi lại rút dao từ xe máy của Hùng rồi chạy đến chém anh Mai một nhát trúng vào bờ vai trái và cẳng tay trái. Chém xong, Tú, Tuấn, Hùng, Kỷ bỏ chạy khỏi hiện trường. Đến chiều 31/5/2011 Kỷ, Tuấn, Tú, Hùng cùng có mặt tại nhà Linh “cọt”. Linh “cọt” hỏi: “Hôm qua ai chém?”. Tú trả lời: “Em chém anh ạ”. Linh “cọt” nói tiếp: “Dọa hắn thế được rồi, coi như không có chuyện gì xảy ra, mọi việc để anh lo”. Linh “cọt” rút tiền ra cho Tú 2 triệu đồng để tiêu xài.
Hậu quả của vụ gây thương tích trên làm Nhà báo Võ Thanh Mai bị thương nặng phải đi cấp cứu tại bệnh viện từ ngày 30/5/2011 đến ngày 6/6/2011. Ngày 15/6/2011, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Nghệ An giám định, kết luận, Nhà báo Võ Thanh Mai bị thương tật vĩnh viễn với tỷ lệ 10%.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN |
Liên quan đến một vụ việc khác, Công an thành phố Vinh đã bắt giữ các đối tượng Hùng, Kỷ, Tú, Tuấn. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này đã khai nhận thêm vụ chém Nhà báo Võ Thanh Mai. Riêng Linh hiện đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã tách vụ án hình sự và ra quyết định truy nã toàn quốc, khi nào bắt được xử lý sau.
Theo cáo trạng, hành vi của Kỷ, Tú, Hùng, Tuấn là nguy hiểm cho xã hội, đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”. Toà tuyên phạt bị cáo Lê Quốc Hùng 30 tháng tù giam; Trần Hoài Kỷ 30 tháng tù giam; Nguyễn Anh Tú 33 tháng tù giam và Võ Thanh Tuấn 24 tháng tù giam.
Vụ việc chém trọng thương một nhà báo đã gây nhiều dư luận khác nhau tại địa phương; nhiều phóng viên, nhà báo và người dân đã bày tỏ sự bức xúc. Tại Tòa, Nhà báo Võ Thanh Mai đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ ai là người đứng đằng sau, trả tiền, thuê nhóm côn đồ này chém mình. Theo Nhà báo Võ Thanh Mai, giữa anh và các bị cáo được đưa ra xét xử không có mâu thuẫn gì nên phải có ai đứng đằng sau, chỉ đạo các đối tượng này chém nhà báo.
Theo dõi phiên toà, Nhà báo Giao Hưởng, Phóng viên Báo Lao động thường trú tại Nghệ An cho biết: “Không phải đơn thuần hay ngẫu nhiên mà nhà báo Võ Thanh Mai bị chém như vậy, vấn đề là phải xử tận gốc, tìm được nguyên nhân của việc chém nhà báo. Các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm hơn, đưa ra pháp luật những vụ việc tương tự để răn đe, tạo an toàn cho các nhà báo hoạt động đúng pháp luật”. Nhà báo Nguyễn Quốc Hiếu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Nghệ An cũng cho biết : “Thời gian qua việc tác nghiệp của phóng viên, nhà báo ở cơ sở gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là gặp phải những tác động tiêu cực ở bên ngoài. Báo chí đang thực hiện chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nhiều vụ việc, vấn đề phức tạp, đòi hỏi nhà báo phải vào cuộc để điều tra, xem xét hoặc đưa ra công luận. Một số nhà báo đã bị uy hiếp bằng tính mạng, trong đó có Nhà báo Võ Thanh Mai. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, làm rõ tận cùng của vụ việc và các vụ việc tương tự để làm sao đảm bảo sự tác nghiệp an toàn cho các phóng viên, nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật của mình”.
Bích Thương