Trao đổi với phóng viên báo Tin tức vấn đề này, Luật gia Đặng Văn Thành, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nói: “Việc nêu rõ danh tính người mua dâm trên phương tiện truyền thông cũng không đơn giản bởi vướng các quy định khác, liên quan đến quyền nhân thân, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...”.
Theo Văn phòng luật sư Đồng đội, việc công khai danh tính người mua bán dâm là vi phạm Hiến pháp năm 2013, gây ảnh hưởng đến đời sống bí mật riêng tư cá nhân gia đình. Nếu bị công khai danh tính, người mua dâm có thể tố cáo hoặc khởi kiện. điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.
Một số ý kiến cho rằng: Việc truyền thông, báo chí đưa rõ tên người bán dâm không sai vì đây là vi phạm hành chính tuy nhiên nếu là vi phạm dân sự, sẽ có thể bị kiện. Vì vậy, để tăng tính răn đe, cần cần nhắc điều chỉnh mức phạt nặng hơn nữa dành cho người mua dâm.
Đề cập tới việc cơ quan chức năng đưa thông tin hình ảnh khá rõ về người bán dâm, còn người mua dâm giá “khủng” thì không?, TS.Khuất Thu Hồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng: Ở đây liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, không phải là giá trị thực của các cô gái mà là vị thế quyền lực của những người đàn ông bỏ ra số tiền khổng lồ như vậy.
“Đương nhiên vì họ là đại gia nên có quyền lực, vì họ là đàn ông nên danh tính không bao giờ bị tiết lộ cả. Đó chính là sự bất bình đẳng. Tôi không ngạc nhiên vì câu chuyện đó. Rõ ràng sự mua bán được thỏa thuận cả hai bên nhưng khi bị phát hiện thì người bán dâm luôn bị bêu tên dù có viết tắt hay che mờ hình ảnh. Những người đọc đều có thể tra tìm biết đó là ai và họ sẽ hứng chịu những lời dè bỉu, chỉ trích. Trong khi người đàn ông mua dâm thì tuyệt nhiên không có thông tin gì”, TS Hồng nói.
Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội băn khoăn: Tại sao không nêu tên người mua dâm? Đây là câu chuyện mua bán thân thể phụ nữ không còn dừng ở mức độ mua bán dâm theo nghĩa thông thường của nó. Vậy báo chí truyền thông, các cơ quan chức năng sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Rõ ràng, cả hai bên mua - bán dâm đều vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính.
“Trong trường hợp cơ quan chức năng coi đây là hành vi vi phạm luật pháp cần phải công bố danh tính để giáo dục, răn đe cả người mua dâm và bán dâm chứ không thể chỉ một phía”, TS Hồng nhấn mạnh.
Trả lời về hình thức xử phạt người bán và mua dâm, luật gia Văn Thành, hiện pháp Luật Việt Nam cho hay: Chỉ xử lý về mặt hành chính đối với người mua và bán dâm (bắt quả tang) và xử lý hình sự đối tượng tổ chức và môi giới hoạt động mua-bán dâm. “Quan điểm xử lý hình sự đối với người mua, bán dâm đã từng được đề cập đến. Tuy nhiên, chỉ có thể thực hiện, nếu được quy định trong luật. Hiện Bộ Luật hình sự chưa ghi nhận là hành vi cấu thành tội phạm”, luật gia Văn Thành chia sẻ.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, hiện, các hành vi mua, bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính theo điều 22 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, người mua dâm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 10.000.000 đồng. Người bán dâm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng.
Người chứa mại dâm (cho người khác thực hiện hoạt động mua bán dâm nơi nhà đất, phương tiện mà mình quản lý) và hành vi môi giới mại dâm (dẫn dắt, giới thiệu cho người khác mua, bán dâm) sẽ bị xử lý hình sự theo điều 327 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể, người nào chứa chấp mại dâm có thể bị phạt tù từ 1 năm đến chung thân. Người nào phạm tội môi giới mại dâm có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.