Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng khẳng định: Hiện nay trên địa bàn phường Minh Khai có các cơ sở mầm non ngoài công lập, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng sẽ tạo điều kiện để tiếp nhận trẻ tại cơ sở mầm non Sen Vàng chuyển đến khi phụ huynh có nhu cầu.
Với những phụ huynh có nhu cầu cho con học ở trường mầm non công lập, Phòng sẽ tham mưu với UBND quận Hai Bà Trưng tạo điều kiện cho những học sinh này được học tập nếu trường còn chỉ tiêu, kể cả các trường thuộc các phường lân cận như Bạch Mai, Trương Định.
Hiện nay, cơ sở mầm non Sen Vàng đã tạm ngừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra. Các cơ quan chức năng đang tích cực làm rõ vụ việc để có kết luận sớm nhất, dự kiến vào cuối ngày 7/2.
Sáng 7/2, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra trực tiếp cơ sở mầm non Sen Vàng, đối chiếu với các quy định hiện hành, nếu không đáp ứng được sẽ trình chính quyền địa phương giải thể cơ sở và có phương án hỗ trợ học sinh.
Cơ sở Mầm non Sen Vàng đã bị đóng cửa. |
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cũng khẳng định, sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và tăng cường các hoạt động kiểm tra, quản lý các cơ sở mầm non trên địa bàn.
Ngày 5/2, UBND phường và Công an phường Minh Khai đã làm việc với 3 gia đình có con bị bạo hành nhưng các gia đình không có yêu cầu khiếu nại.
Nhóm lớp Sen Vàng có tất cả 73 trẻ, lớp xảy ra việc cô giáo bạo hành trẻ có 17 cháu, là lớp nhà trẻ với độ tuổi các cháu từ 24 – 36 tháng. Trong hai cô giáo bạo hành trẻ thì một cô giáo đã tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, cô khác thực hiện nhiệm vụ y tế học đường của cơ sở này.
Theo báo cáo của cơ sở mầm non, cô giáo y tế học đường là người hỗ trợ lớp tùy từng thời điểm khác nhau. Nhìn chung, hai cô giáo này đều đủ tiêu chuẩn về bằng cấp.
Tuy vậy, lãnh đạo Phòng Giáo dục Mầm non cũng cho rằng, các giáo viên không chỉ đáp ứng đúng yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ, mà còn phải đáp ứng yêu cầu về đạo đức, tư tưởng thì mới có thể làm việc trong các cơ sở giáo dục.
Do đó, việc đình chỉ giáo viên khi xảy ra vụ việc chỉ là giải pháp, các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, nhân viên có nghiệp vụ sư phạm tốt, phẩm chất đạo đức tốt để không xảy ra hành vi thiếu đạo đức đối với trẻ.
Đối với các nhóm lớp không đủ điều kiện hoạt động, cơ quan quản lý cần đình chỉ hoạt động nhóm lớp này để đảm bảo chất lượng. Ngay trong tuần này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiến hành rà soát các cơ sở mầm non trên địa bàn.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục Mầm non cũng khẳng định, giữa địa bàn Thủ đô vẫn có những vụ việc cô giáo bạo hành trẻ xảy ra với nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, ngành giáo dục buộc phải xử lý nghiêm để đảm bảo chăm sóc trẻ tốt nhất.