Chưa bao giờ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) lại rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan như hiện nay. Nếu làm đúng theo pháp luật thì thiệt hại lớn về kinh tế cho cả tỉnh lẫn doanh nghiệp, mà nếu làm ngơ sẽ ảnh hưởng tới kỷ cương phép nước.
Không rút ra bài học
Để bảo vệ môi trường sông Thị Vải, ngày 11/9/2006, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tạm thời không cấp phép 5 loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hạn chế cấp phép 5 loại hình khác đối với các dự án đầu tư dọc sông Thị Vải. Tiếp đó, ngày 27/11/2006, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành Quyết định 4349/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Thị Vải thuộc tỉnh BR-VT đến năm 2010, trong đó quy định tạm thời cấm 5 loại hình và hạn chế 5 loại hình đầu tư khác như kiến nghị của Bộ TN và MT. Nhưng tròn 1 năm sau, ngày 29/11/2007, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án dệt nhuộm Eclat Frabics (100% vốn Đài Loan), công suất 6.000 tấn/năm (có 10% nhuộm), đầu tư tại KCN Mỹ Xuân A2, là dự án thuộc danh mục cấm cấp phép đầu tư.
Công ty TNHH Công nghiệp Bắc Giai Việt Nam đã hoàn thành chờ đi vào hoạt động. |
Dự án đã có cơ may trót lọt nếu như tháng 9/2008 không xảy ra vụ bắt quả tang Công ty cổ phần hữu hạn Vedan xả trộm chất thải trực tiếp ra môi trường. Sau vụ này, Bộ TN và MT đã tiến hành kiểm tra toàn bộ các dự án đầu tư dọc sông Thị Vải và đã phát hiện ra dự án Eclat Frabics. Tiếp đến, liền trong 3 ngày 27 đến 29/4/2009, Bộ TN và MT đã làm việc với UBND tỉnh BR-VT, chủ đầu tư dự án và dựa trên kết quả làm việc này, ngày 10/7/2009, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 4709/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo UBND tỉnh rút lại nội dung cho phép 10% sản phẩm nhuộm trong dự án và kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2009. Tuy nhiên, từ đó đến nay, UBND tỉnh BR-VT vẫn không biết làm cách nào để rút lại nội dung 10% sản phẩm nhuộm của dự án này, mặc dù trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường không hề cho phép 10% sản phẩm nhuộm, nhưng đến cuối quý I/2009, dự án đã xây dựng xong với tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD.
Tiếp tục sai phạm
Mặc dù bài học nghiêm trọng nhỡn tiền như vậy nhưng không hiểu sao, tháng 9/2008, Ban Quản lý các KCN vẫn tiếp tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp tại KCN Mỹ Xuân A2 (100% vốn Đài Loan) của Công ty TNHH công nghiệp Bắc Giai Việt Nam.
Theo Công văn số 591/STNMT.CCBVMT ngày 2/4/2009 của Sở TN và MT tỉnh BR-VT, dự án trên của Công ty TNHH công nghiệp Bắc Giai Việt Nam nằm trong cả danh mục dự án tạm thời không cấp phép đầu tư và hạn chế đầu tư nên không tổ chức Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án. Cụ thể, dự án sản xuất chất tạo kết tủa (PAC lỏng) 6.000 tấn/năm thuộc loại hình sản xuất hóa chất cơ bản (cấm) và sản xuất chất tăng trưởng thực vật 1.500 tấn/năm thuộc loại hình sản xuất phân bón (hạn chế). Do đó, đến ngày 11/12/2009, UBND tỉnh BR-VT đã có Công văn 8106/UBND-VP yêu cầu Ban Quản lý các KCN không tiếp nhận đối với loại hình sản xuất của dự án này.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng bảo vệ môi trường sông Thị Vải, ngày 10/2/2009, UBND tỉnh BR-VT còn có Công văn 723/UBND-VP gửi Ban Quản lý các KCN yêu cầu "Ban Quản lý các KCN kiên quyết không tiếp nhận các dự án tạm thời không cho phép đầu tư và hạn chế đầu tư theo nội dung Công văn 286/UBND-VP ngày 18/1/2008 của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường sông Thị Vải". Nhưng dự án vẫn được khởi công xây dựng. Đến đầu năm 2010, dự án với tổng mức đầu tư 6,7 triệu đồng này đã cơ bản hoàn thành.
Tuy cả hai dự án đã hoàn thành (dự án Eclat Frabics chạy thử từ tháng 5/2009) nhưng đến nay vẫn trong tình trạng "treo" không thể đi vào hoạt động được vì không cơ quan nào dám nghiệm thu hệ thống xử lý chất thải, cấp phép xả thải hay kiểm tra quản lý lao động... Nếu tình trạng trên cứ tiếp tục diễn ra thì trước mắt doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại nặng và cam kết bảo vệ môi trường các con sông trên địa bàn của ông Trần Ngọc Thới - Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT tại Hội thảo bàn giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do Bộ TN và MT tổ chức tại TP.HCM ngày 12/12/2008 sẽ khó có thể thực hiện.
Nhóm PV