Bài học đắt giá về quản lý an toàn giao thông

Vụ tàu hỏa SE2 hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đâm vào 6 ô tô, làm 2 người chết, 26 người bị thương trên cầu Ghềnh (Đồng Nai) trong buổi tối ngày 6/2 đang gây chấn động dư luận ở trong và ngoài tỉnh, vì đây là vụ tai nạn thảm khốc nhất trên địa bàn Đồng Nai trong nhiều năm qua và lại xảy ra đúng vào tối mùng 4 Tết Tân Mão.

Tình trạng giao thông hỗn loạn trên cầu

Tại hiện trường, theo những nguồn tin ban đầu được biết, trước thời điểm xảy ra tai nạn, xe taxi hãng Vinasun biển số 56K-9697 chạy từ hướng phường Bửu Hòa vào cầu thì gặp đoàn xe ô tô 5 chiếc từ hướng xã Hiệp Hòa qua cũng vào đầu cầu đối diện. Do cả hai bên đều không nhường đường nên các xe ô tô bị kẹt ở giữa cầu. Cùng lúc đó tàu hỏa lao đến húc liên tiếp vào số xe nói trên, gây tai nạn thảm khốc.

Cầu Ghềnh dài 2 m thuộc thành phố Biên Hòa, bắc qua sông Đồng Nai dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2, 3 bánh và người đi bộ; ở giữa dành cho tàu hỏa và xe ô tô.


Theo quy định, mỗi khi có tàu hỏa sắp đi qua cầu sẽ có tín hiệu cho các công nhân gác 2 đầu cầu hạ barie chắn 2 đầu cầu, chờ tàu hỏa đi qua mới cho các phương tiện khác lưu thông trở lại.


Mặc dù ở 2 đầu cầu đều có trạm gác, thông thường khi không có tàu hỏa qua lại, xe ô tô chỉ được lưu thông 1 chiều và sau một thời gian ngắn lại tiếp tục cho xe ô tô từ phía đầu cầu bên kia lưu thông 1 chiều theo hướng ngược lại; tuy nhiên trước khi tai nạn xảy ra, ô tô từ 2 phía đều tranh thủ đi vào cầu. Mỗi bên đầu cầu đều có biển cấm các loại xe 2, 3 bánh đi vào lòng cầu mà chỉ được đi vào 2 phần bên hông, thế nhưng thường xuyên có các loại xe 2, 3 bánh đi vào lòng cầu, thêm đó, tín hiệu giao thông hai đầu cầu đều ở trong chế độ cho phép tàu, xe đi.

Hệ thống đèn tín hiệu trục trặc và thái độ thờ ơ của nhân viên gác chắn

Ông Lê Đăng Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý đường sắt Biên Hòa cho biết: Sau khi vụ tai nạn xảy ra, các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hệ thống tín hiệu đèn báo phía nam của cầu Ghềnh thì phát hiện tín hiệu đèn đỏ bị hỏng, tín hiệu đèn xanh vẫn hoạt động. Theo ông Nghĩa, cách đầu cầu khoảng 800 m có một đèn tín hiệu, nếu tín hiệu bật màu đỏ có nghĩa là lái tàu phải cho dừng tàu ngay tức khắc, còn tín hiệu xanh thì tàu được đi vào cầu.


Khi tai nạn xảy ra, đèn báo đang bật màu xanh. Việc đèn tín hiệu trục trặc cũng đã được các cơ quan chức năng lập biên bản. Nhiều nạn nhân của vụ tai nạn nghiêm trọng trên cho biết, lúc hai đoàn xe lưu thông vào cầu Ghềnh thì hai đầu cầu không có tín hiệu báo tàu sắp đến và barrie chắn cũng không hề hạ xuống. Vì vậy, nhiều ô tô và xe tải vẫn lưu thông vào lòng cầu giữa lúc tàu hỏa lao đến khiến xảy ra tai nạn khủng khiếp: Tàu hỏa tông trực diện vào các loại phương tiện này.

Cũng cần nhắc đến về trách nhiệm của những người gác 2 đầu cầu và người lái tàu. Thông thường khi tàu gần đến cầu thường chạy chậm và rúc còi từ xa, vì cầu Ghềnh chỉ cách ga Biên Hòa vài trăm mét nhưng không hiểu sao, nhiều người dân ở gần đó và kể cả những người bị nạn đều không nghe thấy tiếng còi tàu. Đã vậy, những người gác 2 đầu cầu không hiểu vì sao không đứng ra chắn barie khi tàu sắp đến, đặc biệt là giải quyết tình trạng xe ô tô chạy từ cả 2 phía đầu cầu đi vào cầu...

Nguyên nhân cụ thể của vụ tai nạn sẽ được các ngành chức năng sớm kết luận, song điều đáng quan tâm là 2 ngày sau vụ việc xảy ra, các loại xe 2, 3 bánh tiếp tục đi vào đường lòng cầu chỉ dành cho tàu hỏa và xe ô tô.


Hiện nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 40 chuyến tàu hỏa và hàng trăm lượt xe ô tô qua lại cầu Ghềnh mà chỉ có một đường đi chung cho cả đường bộ và đường sắt. Việc giữ an toàn giao thông cho cầu Ghềnh cũng như cầu Rạch Cát bắc cách cầu Ghềnh vài trăm mét trên sông Đồng Nai, đoạn ở ngay nội ô thành phố Biên Hòa còn nhiều điều bất cập và cần nhanh chóng khắc phục.

Nhân viên gác chắn không tuân thủ quy định

Cơ quan chức năng địa phương ban đầu đã xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do nhân viên gác chắn không tuân thủ quy định. Qua công tác khám nghiệm hiện trường, triệu tập lấy lời khai và phân tích hộp đen của đầu tàu D19E – 951 của đoàn tàu SE2, Công an tỉnh Đồng Nai ban đầu xác định nguyên nhân là do nhân viên gác chắn 3 và 4 không tuân thủ quy định điều khiển đèn tín hiệu, để ô tô cả hai đầu cầu cùng lưu thông vào lòng cầu gây ách tắc giao thông ở giữa cầu. Khi ách tắc chưa được giải tỏa thì đoàn tàu SE2 đã tiến đến gần. Kết quả phân tích hộp đen cho thấy, lúc xảy ra tai nạn đoàn tàu SE2 đang lưu thông với vận tốc 62 km/giờ.

 Khi đoàn tàu di chuyển cách đầu cầu phía nam khoảng 250 m thì lái tàu đã nhấn phanh để hãm tàu. Song do khoảng cách quá gần, nên đoàn tàu vẫn trượt tới với vận tốc lớn và đã đâm vào 6 xe ô tô đang ở trên cầu.


 Ông Lê Đăng Nghĩa cho biết: Theo quy định, nếu phát hiện nguy hiểm trong khi đèn tín hiệu bị hỏng thì nhân viên gác chắn phải có trách nhiệm ra hiệu lệnh để đoàn tàu dừng lại. Nhưng theo điều tra ban đầu thì nhân viên gác chắn tại cầu Ghềnh đã không thực hiện được hiệu lệnh cho tàu dừng, nên đã xảy ra tai nạn đáng tiếc nói trên.


Minh Hưng - Sỹ Tuyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN