Phóng viên muốn vào điểm khai thác, thăm dò vàng trên địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu còn khó hơn “hái sao trên trời”. Quả đúng vậy, không chỉ vì địa hình khó đi, lội suối, vượt núi cao mà các cá nhân, doanh nghiệp không muốn thấy các phóng viên đặt chân đến các điểm mỏ. Đặc biệt, không biết vì lý do nào mà chính quyền địa phương cũng chẳng muốn để người làm báo tác nghiệp ở vị trí nhạy cảm này?...
Cán bộ tìm cách phong tỏa
Điểm đầu tiên, chúng tôi tới làm việc là xã Kan Hồ (huyện Mường Tè). Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch xã cho biết: Lúc chưa có công văn của UBND huyện buộc các doanh nghiệp dừng các hoạt động khai thác vàng sa khoáng dưới mọi hình thức, trên địa bàn xã có 6 tàu vàng và 1 điểm có giấy phép đầu tư. Nhưng đến thời gian này, các tàu vàng cũng đã dừng khai thác, tháo dỡ phương tiện ra khỏi địa bàn. Điểm thăm dò của doanh nghiệp Hoàng Nam hết hạn giấy phép đã dừng hoạt động, chỉ để lại người trông coi tài sản… Chính quyền xã cử cán bộ đưa chúng tôi đi xem điểm mỏ của doanh nghiệp Hoàng Nam và Công ty khoáng sản Sao Phương Bắc.
Sau khai thác vàng gốc, đất bị đào bới nham nhở ở điểm mỏ xã Can Hồ. |
Qua tìm hiểu, doanh nghiệp Hoàng Nam và Công ty khoáng sản Sao Phương Bắc đã ngừng thăm dò và chỉ để lại người trông coi. Chúng tôi hỏi anh Lý Ché Lòng, cán bộ xã đi cùng: Trên địa bàn xã còn điểm nào khai thác vàng gốc nữa không? Anh Lòng cho biết: Người dân đi nương về phản ánh tại điểm trong sâu khoảng 10 km có người đang khai thác. Chúng tôi tiếp tục hẹn và làm việc với ông Nguyễn Văn Cao, đề nghị giúp cử cán bộ dẫn đi đến điểm như anh Lòng nói. Nhưng ông Nguyễn Văn Cao khẳng định ở chỗ các anh nghe phản ánh không có người khai thác, rồi chỉ đạo cho cán bộ địa chính xã dẫn chúng tôi đến một điểm mà một vài cá nhân khai thác đã dừng làm.
Ra khỏi trụ sở xã, chúng tôi nhờ anh Lý Ché Lòng dẫn tới điểm có người đang “khai thác thổ phỉ”, nhưng anh Lòng trả lời: Mong các anh thông cảm, em không giám làm trái sự chỉ đạo của lãnh đạo; các anh làm xong về còn em ở lại thì nhiều chuyện phiền phức lắm… Thế là chúng tôi đành chịu ra về, không được sự cộng tác và giúp đỡ của chính quyền địa phương.
Cũng tại buổi gặp mặt với ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng phòng Tài nguyên huyện và được biết ngày 22/11/2012 Tổ công tác huyện đi kiểm tra việc khai thác vàng gốc ở xã Vàng San. Ông Hiền cho biết đoàn sẽ đi khoảng 3 ngày, tôi đề nghị được đi theo cùng và ông Hiền cũng đã nhận lời, hẹn mai sẽ gọi. Sáng sớm, tôi chờ ông Hiền gọi để đi cùng đoàn nhưng không thấy. Tôi có lên gặp Phó Chủ tịch phụ trách để phản ảnh vấn đề này, thì được ông Nguyễn Xuân Trường nói: Đồng chí thông cảm, chắc anh em vội quá nên quên mất…
Tối hôm ấy, tôi có gặp ông Hiền ở huyện và hỏi, nhưng không nhận được câu trả lời. Tại buổi làm việc ở Phòng Tài nguyên chiều ngày 23/11/2012, ông Nguyễn Đức Hiền cho biết ngày mai (ngày 24) Tổ công tác huyện tiếp tục sẽ đi khu vực Nậm Khá (xã Mù Cả) để yêu cầu các công ty hết hạn thăm dò vàng gốc tháo dỡ máy móc đưa ra khỏi địa bàn. Tôi lại nhờ ông Hiền, cho tôi đi cùng đoàn, ông Hiền nhận lời. Sáng hôm sau, tôi tiếp tục chờ và cũng chỉ chờ mà không được ông Hiền gọi đi. Tôi không hiểu vì một lý do gì mà phóng viên xin được đi cùng đoàn công tác vào nơi làm vàng lại khó đến vậy?
Cá nhân hăm dọa
Khi nhóm phóng viên chúng tôi bàn kế hoạch đi tìm hiểu và viết về đề tài khai thác vàng ở huyện Mường Tè thì có người nói, vào đấy rất nguy hiểm, có lúc chết không ai hay. Chúng tôi liền liên tưởng đến những vụ ẩu đả, giết người ở các điểm khai thác vàng trong cảnh quay phim mà rợn tóc gáy. Vậy là một vài người từ chối chuyến đi, còn lại chúng tôi vẫn quyết tâm để thực hiện đề tài đã vạch sẵn. Thực địa rồi, bản thân tôi cũng thấy chùng bước trước những lời hăm dọa đáng sợ.
Đầu giờ trưa 18/11/2012, tôi cùng một đồng chí công an viên xã Mường Tè (huyện Mường Tè) lên điểm thăm dò vàng gốc của Công ty khoáng sản Sao Phương Bắc. Tôi đã trình giấy giới thiệu cho cán bộ quản lý mỏ Lê Minh Quang và tìm hiểu một số vấn đề thì một công nhân từ phía trong đi ra, mặt dữ dằn nói: “Các ông uống nước xong rồi biến cho nhanh, không thì đừng có trách” rồi đi ra ngoài. Sau đó, người ấy quay vào và nói: Các ông cần gì mà vào đây, chúng tôi vận chuyển gì thì mọi người đã rõ; các ông cần biết công ty có như thế nào thì đơn vị khác phải dừng làm còn chúng tôi vẫn làm bình thường… Để an toàn, tôi không dám hỏi gì nữa và rời khỏi điểm thăm dò của Công ty khoáng sản Sao Phương Bắc.
Sáng 22/11/2012, tôi đang ở thị trấn huyện Mường Tè thì nhận được một điện thoại số lạ (01663726582) đe dọa với nội dung: Mày có phải là Hoàng phóng viên không? Mày vào bãi vàng mà dám phản ánh à! Mày coi chừng đấy… Tôi hỏi ai đây và yêu cầu gặp mặt thì tắt máy. Tôi gọi lại liên tục mà thuê bao không liên lạc được. Trưa hôm ấy, thuê bao đó điện tiếp và nói: “Mày không cần điện, cứ coi chừng đấy” rồi tắt máy.
Tôi thiết nghĩ, đây là mỏ vàng có sự quản lý của Nhà nước chứ không phải bãi vàng “vàng tặc” nên việc xử sự như vậy của cá nhân, công ty, doanh nghiệp có đúng pháp luật không? Nếu các điểm khai thác được cấp giấy phép minh bạch, rõ ràng thì không cần phải hành động như thế. Những người có thẩm quyền và phụ trách về vấn đề này sẽ làm gì? Xử lý ra sao và có còn phong tỏa dư luận nữa không?...
Bài và ảnh: Việt Hoàng
Kỳ 2: Phải chấm dứt khai thác vàng