Cụ thể, khoảng 14 giờ ngày 31/10, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II (Trung tâm II) nhận được thông tin có dấu hiệu BTS giả phát tán tin nhắn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đoàn công tác của Trung tâm II đã triển khai lực lượng, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an ở phía Nam và Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với các thiết bị kỹ thuật hiện đại. Khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, đoàn công tác liên ngành đã xác định được phương tiện mà đối tượng có nguồn phát sóng BTS giả mạo sử dụng.
Sau gần 1 giờ đồng hồ bí mật giám sát, theo dõi, các đơn vị nghiệp vụ đã bắt quả tang đối tượng V.A.B (quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1977, quê quán Tây Ninh) đang sử dụng bộ thiết bị BTS giả mạo đặt trên xe ô tô 7 chỗ cố tình xâm nhập mạng viễn thông bất hợp pháp nhằm phát tán tin nhắn quảng cáo, lừa đảo.
Mở rộng điều tra, trong đêm 31/10, cơ quan Công an đã tiến hành bắt giữ thêm 2 đối tượng khác có quốc tịch nước ngoài, có liên quan đến tổ chức thiết lập lập trạm BTS giả nói trên. Hiện, các cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.
Cục Tần số Vô tuyến điện nhận định, trong vụ việc này, đối tượng sử dụng thiết bị giả mạo trạm BTS chủng loại mới, lắp đặt trên xe ô tô, thường xuyên di chuyển không có quy luật qua nhiều tuyến đường hòng tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Mặc dù vậy, hành động phát tán tin nhắn giả mạo, lừa đảo của các đối tượng đã nhanh chóng bị phát hiện, ngăn chặn và đối tượng liên quan bị bắt giữ trong thời gian rất ngắn.
Theo thống kê, trong quý III/2023, Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện xử lý 88 vụ vi phạm về sử dụng tần số. Trong đó, phạt tiền 59 vụ với tổng số tiền 89,4 triệu đồng, cảnh cáo 3 vụ và nhắc nhở 26 vụ. Cũng trong quý III, Cục Tần số vố tuyến điện đã phối hợp cùng Bộ Công an phát hiện, xác định và xử lý 4 vụ sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động để nhắn tin rác và tin nhắn lừa đảo.