Xe đạp điện được coi là phương tiện "xanh" vì không phát thải khí CO2 và tiết kiệm nhiên liệu, song việc quản lý, kiểm soát loại phương tiện này nhằm tránh tai nạn giao thông vẫn là bài toán khó đối với lực lượng chức năng của thành phố Nam Định. Nguyên nhân là những người sử dụng phương tiện này đa phần là học sinh phổ thông.
Nhiều vi phạm của học sinh khi đi xe đạp điện đang bị... bỏ qua. Ảnh: CTV |
Hiện chưa có thống kê chính thức nhưng ước có tới cả nghìn chiếc xe đạp điện lưu thông trên các tuyến đường, ngõ xóm ở tỉnh Nam Định, trong đó thành phố Nam Định chiếm phần lớn. Giá mỗi chiếc xe đạp điện chỉ trên dưới 10 triệu đồng (tùy thuộc vào xuất xứ). Do mức giá không quá cao nên những gia đình có kinh tế tầm trung bình trở lên ở Nam Định đều có thể mua cho con em mình đi học.
Theo quy định của Nghị định 34/NĐ-CP, mức phạt đối với người điều khiển và người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng quy cách là 100.000 - 200.000 đồng (với người trên 18 tuổi). Nhưng với đối tượng trong độ tuổi 16 - 18 chỉ chịu 50% mức phạt này, còn người dưới 16 tuổi thì bị phạt cảnh cáo và bị tạm giữ xe 10 ngày. Mức phạt thấp nên nhiều học sinh rất coi thường và nhiều lần tái phạm. Cá biệt có không ít học sinh THPT không hợp tác, cản trở việc kiểm tra của cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) còn đối mặt với không ít hình thức đối phó của một số học sinh. Khi nhìn thấy CSGT từ xa, những học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm liền tắt điện xe chuyển sang đạp bằng chân. Một số trường THPT trên địa bàn thành phố không thực sự quyết liệt phối hợp trong việc quản lý học sinh tham gia giao thông bằng xe đạp điện. Thêm vào đó, nhiều học sinh đi học bằng xe đạp điện nhưng lại gửi xe bên ngoài trường khiến việc quản lý rất khó khăn.
Theo Đội CSGT - Công an thành phố Nam Định, những trường có nhiều học sinh vi phạm luật giao thông liên quan đến xe đạp điện là trường PTTH Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo. Các lỗi chủ yếu của các em là phóng nhanh (vượt quá tốc độ cho phép tối đa 30 km/h), không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng quy cách... Điểm nguy hiểm của xe đạp điện là xe có thể chạy tới tốc độ 40 - 50 km/h và không phát ra âm thanh, dễ gây va chạm trên đường. Trong quý I/2012, các lực lượng chức năng Công an thành phố Nam Định đã xử phạt 436 trường hợp liên quan đến xe đạp điện, với tổng số tiền phạt 42 triệu đồng.
Để tăng cường kiểm soát và quản lý đối với các đối tượng điều khiển xe đạp điện là học sinh, Đội CSGT - Công an thành phố Nam Định đã thành lập tổ tuyên truyền tới các trường học trên địa bàn để tuyên truyền về các quy định an toàn giao thông đường bộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho các em học sinh. Tuy nhiên, để việc quản lý, kiểm soát có hiệu quả thì vẫn cần có sự tham gia hợp tác của cả nhà trường và gia đình.
Nguyễn Trường