Bắt tạm giam các đối tượng lừa đảo
Ngày 6/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện An Biên (Kiên Giang) đã tống đạt Lệnh bắt tạm giam bị can đối với Ngô Thị Kiếm (sinh năm 1971, ngụ tại tổ 10, ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, đơn vị nhận được hàng chục lá đơn của người dân ở ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên tố cáo và yêu cầu khởi tố bà Ngô Thị Kiếm vì cho rằng bà này lập các dây "hụi ma" để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo đơn tố cáo của bà Trần Thị Hiền, bà đã tham gia 7 dây hụi do bà Kiếm làm chủ, với số tiền bà Kiếm nợ là trên 1,7 tỷ đồng. Ngày 29/12/2022, bà Kiếm tuyên bố bể hụi và bỏ đi khỏi địa phương. Nay bà Kiếm đã trở về nhưng nói không có tiền trả. Số tiền hơn 1,7 tỷ đồng bà Hiền dành dụm được từ nghề nuôi sò trong nhiều năm nay có nguy cơ mất trắng, còn bà Kiếm trở về sinh sống bình thường nhưng chưa bị pháp luật trừng phạt.
Tương tự, bà Trần Thị Bích cũng tham gia 4 dây hụi do bà Kiếm làm chủ với số tiền trên 400 triệu đồng; ngoài ra còn cho bà Kiếm vay 200 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Thắng tham gia 3 dây hụi, nhưng bị nợ số tiền ít hơn, khoảng 75 triệu đồng.
Ngày 5/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Giồng Riềng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Văn Út Nhỏ (sinh năm 1990, ngụ ấp Bến Nhứt, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, vào cuối năm 2023, bà N.T.M.D (sinh năm 1958, ngụ tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng) đã liên hệ và thỏa thuận với Trần Văn Út Nhỏ để nhờ "chạy án" cho con trai mình là N.H.N. (trước đó N. đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Giồng Riềng khởi tố và tạm giam để điều tra về tội mua bán trái phép chất ma túy). Nhỏ đồng ý và cam kết sẽ giúp con bà N.T.M.D. không bị tạm giam hoặc phải ở tù. Tuy nhiên, sau nhiều lần bà N.T.M.D. đưa tiền cho Nhỏ với tổng số tiền hơn 120 triệu đồng, con trai bà vẫn bị Tòa án nhân dân huyện tuyên phạt 2 năm tù. Biết bị Nhỏ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà D. đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Tiêu hủy hàng nghìn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc
Ngày 6/9, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu phối hợp lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tổ chức tiêu hủy lô hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Vào 11 giờ ngày 4/9, Đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1, số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị N. (bản Tân Hợp, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường).
Lực lượng chức năng phát hiện hơn 1.400 bánh Trung thu, bánh mềm, bánh bông lan các loại; 390 chai sữa chua trái cây và sữa lạc; 1.470 gói chân gà với tổng giá trị niêm yết trên bao bì sản phẩm gần 20 triệu đồng.
Toàn bộ số hàng hóa trên có nhãn hàng hóa ghi chữ nước ngoài, tuy nhiên chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Một số sản phẩm đã bị rách vỏ, ẩm, mốc trắng có biểu hiện hư hỏng… Chủ cơ sở cho biết, số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường để bán cho người dân dịp Tết Trung thu.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ tang vật và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở kinh doanh Nguyễn Thị N. với số tiền 10 triệu đồng theo quy định tại Điểm d, khoản 1 và điểm c, khoản 2 Điều 15, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020; buộc tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm, hàng hóa vi phạm tránh gây hại cho sức khỏe con người.