Ngày 12/6, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp Công an huyện Lâm Hà, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đưa 2 đối tượng Bạch Đình Kế và Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1989, ngụ tại xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) ra thực nghiệm hiện trường vụ án hủy hoại trên 10 ha rừng thông ba lá tại Tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Tại hiện trường, Kế và Huy đã thực hiện lại hành vi lên kế hoạch phá rừng, khoan lỗ, bơm thuốc sâu vào gốc để hạ độc rừng thông.
Trước đó, ngày 2/6, Bạch Đình Kế bị cơ quan Công an bắt giữ tại sân bay Liên Khương, khi đối tượng này bay từ Hà Nội vào Đà Lạt.
Bạch Đình Kế (sinh năm 1982, tức "Kế hâm", ngụ xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) được xem là kẻ cầm đầu vụ hủy hoại hơn 10 ha rừng thông.
Theo Cơ quan điều tra, Bạch Đình Kế đã thuê Ngô Văn Diệm (sinh năm 1984, quê huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, tạm trú thôn 10, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) phá rừng, có giao tiền, thỏa thuận ăn chia.
Sau đó, Diệm đứng ra làm cai, thuê các đối tượng: Dương Văn Hồng (sinh năm 1967, ngụ thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà), Nguyễn Văn Lợi (sinh năm 1996, ngụ thôn An Bình, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà) và một số đối tượng nữa (hiện đang bỏ trốn và bị Công an truy xét) phá rừng.
Đối tượng Ngô Văn Diệm có hai tiền án về các tội trộm cắp tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử. Sau khi ra tù, Diệm đến làm ăn tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà.
Các đối tượng Nguyễn Văn Lợi và Dương Văn Hồng trực tiếp hủy hoại rừng thông nói trên. Ngày 31/5, Cơ quan chức năng đã đưa 3 đối tượng này ra thực nghiệm tại hiện trường
Đây là vụ phá rừng thông quy mô nhất từ trước đến nay ở tỉnh Lâm Đồng. Do vậy, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh là lực lượng chủ công, phối hợp Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Lâm Hà quyết liệt bóc gỡ băng nhóm tội phạm phá rừng.
Khu vực rừng bị hạ độc là rừng trồng của Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà - Công ty Cổ phần Tập đoàn giấy Tân Mai. Do hành vi của các đối tượng là hủy hoại tài sản rừng, mức độ thiệt hại trên 800 triệu đồng nên chuyên án này được Ban Giám đốc Công an tỉnh giao Phòng Cảnh sát Hình sự thụ lý theo thẩm quyền.
Sau khi vụ việc hạ độc hàng ngàn cây thông tại huyện Lâm Hà xảy ra, TTXVN đã có loạt bài điều tra phản ánh tình trạng phá rừng trồng lớn nhất từ trước đến nay tại Lâm Đồng, vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm. Qua kiểm tra, xác định có gần 3.500 cây thông trồng từ năm 2002 bị các đối tượng dùng khoan điện khoan vào gốc cây và bơm hóa chất diệt cỏ qua lỗ khoan. Hậu quả, toàn bộ số cây thông trên diện tích 10 ha bị chết khô không thể cứu chữa.
Liên quan vụ việc, ngày 8/5, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý vụ việc trên và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/5.