Cùng quan điểm này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Trong trường hợp, vì hành không tuân thủ biện pháp cách ly mà làm lây lan dịch bệnh cho người khác, gây hậu quả nghiêm trọng thì người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù 1 năm đến cao nhất là 12 năm tù giam.
Trong những ngày qua, người dân trên cả nước “đứng ngồi không yên” về dịch COVID-19 lại bùng phát trong cộng đồng. Nguyên nhân khởi phát từ bệnh nhân COVID-19 số 2899 tại Hà Nam đã không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, vẫn tiếp xúc với người khác để dịch bệnh lan mạnh tới nhiều người. Các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh nhân này không chỉ vi phạm các quy định về phòng dịch; còn không thực hiện đúng các quy định trong thời gian cách ly.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của bệnh nhân mắc COVID-19 Hà Nam; đồng thời điều tra trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhân viên y tế trong việc chỉ đạo, giám sát.
Trường hợp, nam bệnh nhân 2899 này sau khi từ nơi cách ly tập trung trở về không khai báo y tế, cách ly y tế tại nhà mà lại tụ tập ăn nhậu, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 và hướng dẫn tại Công văn số 45/HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”, gồm những điểm sau:
a) Trốn khỏi nơi cách ly.
b) Không tuân thủ quy định về cách ly.
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly.
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Theo ý kiến của nhiều luật sư, đối với các cán bộ, cơ quan ở địa phương vi phạm về phòng chống bệnh truyền nhiễm, tùy vào tính chất mức độ vi phạm có thể xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hành vi vi phạm cụ thể, có thể là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, vi phạm quy định về khám chữa bệnh...