Theo đó, nắm được nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhiều đối tượng đã mạo danh nhân viên ngân hàng để tiếp cận mời chào khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng online, rút tiền từ thẻ tín dụng, nâng hạng mức thẻ... nhưng thực chất là lừa đảo.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết đối tượng thường áp dụng cách kết bạn qua mạng xã hội và gửi thông tin ưu đãi liên quan đến hoạt động thẻ kèm link hoặc QR Code dẫn đến website giả mạo ngân hàng. Đồng thời hối thúc khách hàng nhập các thông tin cá nhân như ảnh chụp 2 mặt chứng minh nhân dân, căn cước công dân, 2 mặt thẻ tín dụng, mã bảo mật CVV phía sau thẻ... vào website giả mạo trên.
Ngay sau khi cung cấp các thông tin trên, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng của khách hàng.
Cũng liên quan tới thẻ tín dụng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết một chiêu thức lừa đảo khác thường gặp gần đây là kẻ gian giả mạo thông báo có chữ ký cấp lãnh đạo ngân hàng thông báo về việc khách hàng được nâng hạn mức thẻ tín dụng nhưng đang có lịch sử trả chậm hoặc nợ xấu gây ảnh hưởng đến điểm tín dụng.
Từ đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu khách hàng chuyển "cọc tín dụng" vào một tài khoản được chỉ định để hỗ trợ xóa lịch sử nợ xấu và tăng điểm tín dụng. Nếu khách hàng làm theo, kẻ gian sẽ cắt đứt liên lạc và biến mất cùng số tiền khách hàng đã chuyển cọc.
Hay như tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), đối tượng lừa đảo giả mạo tin nhắn, email, số điện thoại gần giống với tổng đài của VIB… yêu cầu khách hàng bấm vào đường link giả mạo hoặc yêu cầu cung cấp thông tin, sau đó chiếm đoạt quyền sử dụng ứng dụng của VIB và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.
Các ngân hàng khẳng định việc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như trên đều là lừa đảo.
VPBank cho biết ngân hàng chỉ gửi thông báo nâng hạn mức qua SMS và Email cho khách hàng thỏa mãn điều kiện chứ không hỗ trợ qua điện thoại. "Đặc biệt, khách hàng cần lưu ý, để nâng hạn mức, ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào khác và khách hàng có quyền từ chối nếu không có nhu cầu", VPBank nhấn mạnh.
Chưa dừng ở đó, các đối tượng lừa đảo còn làm giả các ứng dụng dịch vụ công, ứng dụng của cơ quan Nhà nước như: VneID, Bộ Công an, Tổng cục Thuế… Các ứng dụng này chứa mã độc, nếu khách hàng cài vào điện thoại sẽ bị kiểm soát thiết bị và bị chiếm đoạt thông tin cá nhân.
Ngoài ra, còn có một số chiêu thức lừa đảo phổ biến khác như: giả mạo tin nhắn trúng thưởng từ các trang thương mại điện tử và yêu cầu khách hàng bấm vào link giả mạo, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để liên kết nhận tiền thưởng; giả làm nhân viên ngân hàng đề nghị hỗ trợ vay vốn làm ăn; giả chuyển khoản nhầm...
Có thể thấy các hình thức lừa đảo đã liên tục được thay đổi ngày một tinh vi, khó lường, bất chấp những cảnh báo từ ngân hàng và các cơ quan chức năng. Không ít người đã "sập bẫy", mất hàng trăm triệu đồng chỉ sau một cuộc điện thoại.
Trước thực tế này, các ngân hàng tiếp tục khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ, số bảo mật CVV, mã xác thực một lần OTP... cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Tuyệt đối không quét QR Code hoặc truy cập vào các đường link lạ và không chụp hình ảnh khuôn mặt, chứng minh nhân dân, căn cước công dân trên đường link không chính thống.
Người dùng cũng cần lưu ý không cho người khác mượn thẻ, không lưu thông tin thẻ trên điện thoại hoặc bất kỳ thiết bị nào; Không chia sẻ thông tin thẻ lên mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản; không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, đặc biệt các ứng dụng có quyền truy cập dữ liệu trên thiết bị; không thực hiện các giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào tài khoản hay số điện thoại do người khác chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng hoặc khuyến mại, vay vốn…
Trong trường hợp người dùng đã chót làm theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo và cảm thấy có nghi vấn, cần ngay lập tức liên lạc hoặc đến phòng giao dịch ngân hàng gần nhất để yêu cầu thay đổi thông tin bảo mật, khóa hoặc đóng tài khoản thanh toán. Đồng thời, chủ tài khoản cũng cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.