Cố tình nợ
Theo thống kê của BHXH TP Hồ Chí Minh, tổng số tiền DN trên địa bàn nợ BHXH ước tính khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó không ít DN nợ kéo dài 2 - 3 năm. Các DN nợ hầu hết là công ty TNHH và nợ BHXH quá hạn (trên 6 tháng), trong đó có khoảng 40 DN nợ từ 200 triệu đồng trở lên...
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, cho biết: "DN nợ, trốn đóng BHXH một phần do làm ăn khó khăn, nhưng phần lớn vẫn là do chây ì, cố tình chiếm dụng BHXH, bởi nợ BHXH có lợi hơn đi vay ngân hàng. Vì khi DN nợ BHXH, khi xử lý DN chỉ phải trả lãi theo lãi suất đầu tư của BHXH Việt Nam năm trước đó (mức lãi suất này hiện ở mức khoảng 6 - 7%/năm). Trong khi đó, DN đi vay vốn ngân hàng lãi suất sẽ cao hơn, chưa kể là phải có điều kiện thì ngân hàng mới cho vay”.
Hiện nay, để giải quyết tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, các cơ quan chức năng vẫn áp dụng biện pháp hành chính như kiểm tra, nhắc nhở. Nếu DN vẫn không chấp hành, sẽ chuyển qua thanh tra lao động, xử lý và giải pháp cuối cùng là kiện ra tòa. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn không đạt hiệu quả cao, bằng chứng là vẫn có hàng ngàn DN đang trốn, nợ BHXH.
Theo ông Sang, lý do những biện pháp trên không mang lại hiệu quả, là bởi khi cơ quan chức năng đi thanh tra, nếu DN không chấp nhận kết luận thanh tra, thì đòi được tiền. Còn kiện ra tòa, cũng phải mất 2 - 3 năm sau mới thi hành án. Chẳng hạn như Tập đoàn Mai Linh, ước tính nợ BHXH đến nay khoảng 100 tỷ đồng, tòa đã xử nhưng DN nói là không có khả năng thi hành án, người lao động vẫn không đòi được BHXH. Trong khi đó xe của Mai Linh vẫn chạy đầy đường và DN còn mở rộng đầu tư thêm cả ngàn chiếc xe mới.
“Việc DN nợ, trốn đóng BHXH đang ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động, bởi hàng tháng DN vẫn tự động trích lương của người lao động đóng BHXH, nhưng không đóng cho cơ quan BHXH, đồng nghĩa với việc DN đang chiếm dụng số tiền trên. Khi DN chiếm dụng mà không đóng BHXH cho người lao động, người lao động sẽ không có sổ BHXH, không được Nhà nước chăm lo khi ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động...”, ông Sang cho biết thêm.
Nên xử lý hình sự
Bắt đầu từ ngày 1/1/2016 Luật BHXH mới sẽ có hiệu lực thi hành, tuy nhiên theo chuyên gia trong ngành, dù có nhiều điều thay đổi, nhưng Luật BHXH mới vẫn khó hạn chế được tình trạng trốn đóng và nợ BHXH của DN.
“Luật BHXH mới đã trao cho cơ quan BHXH chức năng thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH. Dự kiến số lượng DN nợ BHXH bị thanh tra, xử lý sẽ tăng lên, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có hiệu quả hơn hay không khi trước đó thanh tra lao động cũng có chức năng thanh tra BHXH nhưng nợ vẫn khó thu, DN vẫn không chấp hành. Luật BHXH mới cũng giao quyền khởi kiện DN nợ BHXH cho tổ chức công đoàn và công đoàn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN. Tuy nhiên, luật chỉ mới giao chưa có cơ chế thực hiện”, ông Cao Văn Sang chia sẻ.
"Để tăng tính răn đe, phải xử lý hình sự. Tăng nặng hình phạt cũng nhằm bảo đảm lợi ích của người lao động. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần mạnh dạn hơn để tự bảo vệ quyền lợi của mình trước DN cố tình nợ BHXH. Bởi từ thực tế, nếu người lao động đứng ra kiện DN thì hiệu quả rất cao. Tại TP Hồ Chí Minh, những trường hợp người lao động kiện DN nợ BHXH ra tòa thì hầu như đều thu được nợ vì số tiền nhỏ, nên dễ thi hành án", ông Sang chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Thành Nhơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương khẳng định: "Trong thời gian tới, để bảo vệ quyền lợi của chính mình, người lao động cần chủ động, kiên quyết hơn. Một khi người lao động cùng đồng lòng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì DN cũng không dám vi phạm vì sợ mất lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh”.