Từ cuối năm 2013, sau khi tỉnh Hưng Yên mở đợt cao điểm dẹp nạn khai thác cát trái phép trên sông Hồng và sông Luộc, tình hình đã lắng đi. Nhưng chỉ sau vài tháng mọi chuyện lại đâu hoàn đấy. Các tàu thuyền hút cát giờ đây lại thả sức lộng hành, hút ruột lòng sông, đe dọa cuộc sống còn của người dân xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên).
Ngang nhiên đe dọa người dân
Khu vực bãi bồi của xã Tân Hưng giáp ranh giữa 3 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam nên đội ngũ "sa tặc" thường xuyên lợi dụng điểm này để trốn tránh các cơ quan pháp luật và thả sức làm mưa làm gió trên sông. Tại ngã ba sông Hồng và sông Luộc thuộc địa bàn thôn Quyết Thắng và khu vực bãi của thôn Lê Lợi, hàng ngày các tàu thuyền hút cát vẫn diễn ra công khai giữa ban ngày.
Bà Trần Thị Liễu và nhiều người dân trong thôn cho biết: Sau khi tỉnh mở đợt cao điểm truy quét, tình hình khai thác cát ở Tân Hưng tạm lắng. Nhưng khoảng một tháng trở lại đây, mọi chuyện lại diễn ra như cũ. Bà con không khỏi xót xa khi những tàu thuyền hút cát cứ giương vòi rồng chọc thẳng vào bờ làm cho ruộng bãi bị sạt lở hàng ngày, hàng giờ.
Để cứu những ruộng bãi màu mỡ không bị trôi sạt xuống sông, người dân đã nghĩ ra nhiều cách để xua đuổi tàu thuyền khai thác cát trái phép song chẳng ăn thua gì.
Xã Tân Hưng hiện có 2 điểm quy hoạch khai thác cát với gần 60 ha. Cả 2 dự án này chỉ được cấp phép khai thác bằng phương pháp lộ thiên theo quy định và phải cách xa bờ bãi, nhằm tránh sạt lở và bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mùa lũ. Lợi dụng việc 2 dự án được cấp phép, nhiều tàu hút cát từ nơi khác đã trà trộn đến thả sức cắm vòi hút ở bất cứ chỗ nào làm lòng sông bị rỗng, dòng chảy thay đổi gây nên tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng.
Hàng trăm mẫu ruộng trôi xuống sông
Cánh đồng bãi của thôn Quyết Thắng và thôn Lê Lợi trước đây vốn màu mỡ bốn mùa hoa màu xanh bát ngát, nay đang hẹp dần vì sụt lún. Hàng trăm mẫu ruộng vốn là cơ nghiệp làm ăn của người nông dân đang đứng trước nguy cơ "xóa sổ". Mỗi năm nguồn thu hàng tỉ đồng của hàng trăm hộ dân cứ dần trôi tuột xuống dòng sông như bị đánh cắp.
Theo những người dân xã Tân Hưng, tình trạng ruộng đất bị sạt lở cứ tăng lên từng năm theo cấp số cộng. Cả xã có trên 500 mẫu đất canh tác ngoài bãi, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Quyết Thắng và Lê Lợi. Nhưng đến nay có đến gần 200 mẫu, chiếm hơn 30% diện tích đất canh tác của 2 thôn trên bị sụp xuống sông, mất trắng do nạn khai thác cát gây nên. Cánh đồng bãi chạy dọc theo bãi sông với chiều dài hàng cây số đã bị sạt lở ăn rộng vào tới hai ba chục mét. Tại khu vực đất canh tác của người dân thôn Quyết Thắng có những hố bị ngoạm sâu với chiều dài hàng trăm mét. Nhiều đoạn bờ bãi tiếp tục bị khoét thành "hàm ếch", có những đoạn sạt lở mạnh tạo thành bờ vực dốc thẳng đứng. Khi tàu chạy trên sông sóng đánh vào bờ, từng tảng đất ùm ùm lở xuống sông. Người dân chỉ còn biết nuốt nước mắt bất lực nhìn ruộng đất bị mất dần, mất mòn từng ngày.
Nguy hiểm hơn, khi lo sợ bị nạn cát tặc “nuốt” mất ruộng đất nên không ít bà con đã chấp thuận cách bán đất ruộng cho doanh nghiệp khai thác cát. Theo đó, ruộng ngày càng bị sạt lở thêm tạo thành những vực sâu do sóng cuốn xoáy. Dân thôn Quyết Thắng ngậm ngùi vì vẫn biết việc bán đất nông nghiệp là vi phạm nhưng để thì không xong, nên thà bán để gỡ gạc chút tiền còn hơn là bị nước cuốn mất. Việc này chính quyền xã cũng biết nhưng cũng không có giải pháp ngăn chặn.
Từ tháng 12/2013, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và các giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, sông Luộc đoạn qua địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu các ngành, các cấp và chính quyền địa phương mở đợt cao điểm ngăn chặn, kiên quyết xử lý các tàu, thuyền khai thác cát trái phép, phát động nhân dân tham gia phát hiện, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép. Nhưng trước lợi nhuận lớn nên tình trạng khai thác cát vẫn tái diễn và ngày càng lộng hành đe dọa cuộc sống người dân xã Tân Hưng.
Mai Ngoan