Theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định công chức dùng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị nhận mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc theo Điều 13 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng tài liệu con dấu giả.
“Trong quá trình xác minh, điều tra, nếu lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng làm giả giấy tờ, tài liệu bằng cấp thì những đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự. Trường hợp người sử dụng tài liệu giấy tờ đó là người chủ mưu, thuê, nhờ người khác làm ra giấy tờ giả - người này sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức nhưng có căn cứ cho thấy, cán bộ này biết rõ là bằng cấp chứng chỉ giả mạo nhưng vẫn dùng để lừa dối cơ quan chức năng thì bị xử lý hình sự về tội sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ Luật hình sự (BLHS) năm 2015.
Nhiều ý kiến cho rằng: Việc sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan tổ chức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là những người không đủ trình độ phẩm chất đạo đức mà lại làm giả bằng cấp để được bổ nhiệm, tuyển dụng, đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo.
Như báo Tin tức đã đưa, trước đó, Ban Tổ chức Huyện ủy Ia Pa có văn bản số 49 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đề nghị các phòng chuyên môn của Sở rà soát, kiểm tra, xác minh bằng cấp của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã. Hoạt động nhằm phục vụ cho công tác nhân sự bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Theo đó, Ban Tổ chức Huyện ủy Ia Pa đã đề nghị Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai xác minh 10 hồ sơ của cán bộ xã. Qua kiểm tra, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã phát hiện 9 trường hợp có bằng tốt nghiệp không hợp pháp.
Các cán bộ bị phát hiện là: Trần Đức Việt - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Pờ Tó; Trần Trọng Chỉnh, Phó Chủ tịch HĐND xã Pờ Tó; Đặng Văn Long, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Pờ Tó; Trần Xuân Khải, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Chư Răng; Hà Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Chư Răng; Nguyễn Viết Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Răng; Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc xã Kim Tân; Phạm Văn Lượng, Phó Chủ tịch HĐND xã Kim Tân và Đỗ Thị Thảo, Phó Bí thư Đoàn xã Kim Tân.
Điều 341 Bộ Luật hình sự năm 2015:
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.