Đã nửa năm trôi qua, vụ việc triệt hạ hơn 100 ha rừng phòng hộ ở xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) để làm nương rẫy vẫn chưa thể xử lý và khắc phục hậu quả. Điều đáng tiếc là nguyên nhân của vụ việc này lại bắt đầu từ chủ trương của Đảng ủy, chính quyền xã, thống nhất “chia” cả một khu rừng phòng hộ cho các hộ dân trong khu vực để làm nương bằng một biên bản có chữ ký và đóng dấu đỏ của ông chủ tịch UBND xã.
Khu vực rừng Pà Páo giờ đã chỉ còn đám nương lúa "điểm xuyến" bằng hàng vạn gốc cây cháy đen nhẻm. |
Khu rừng Pà Páo ngày xưa, giờ chỉ là hàng vạn gốc cây đã cháy nham nhở. Dọc hai bên đường liên bản là những đống gỗ lớn với đường kính 15 - 30 cm được cưa, chặt xếp ngay ngắn, chứng tích còn lại của một khu rừng xanh tươi trong quá khứ. Nỗi “căm phẫn” của rừng Pà Páo vẫn chưa nguôi, bởi những người ra tay triệt hạ rừng vẫn vô can. Đã vậy người ta còn đòi xóa hẳn vết tích của rừng để chuyển sang làm nương rẫy một cách hợp pháp, trong sự lúng túng của các cơ quan chức năng.
Trở lại với nguyên nhân của vụ việc, được biết tại nơi này vào ngày 10/9/2010, với sự nhất trí của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Tìa Dình đã có một cuộc họp “quan trọng” tại nhà Trưởng bản Tìa Dình A là Giàng Chờ Dình. Dự cuộc họp đó có Bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, công an viên và đại diện 105 hộ dân thuộc 3 bản Tìa Dình A, B, C. Lý do mà cuộc họp đưa ra là khu rừng Pà Páo (rừng phòng hộ thuộc khoảnh 11 và 12 Tiểu khu 787) có lịch sử từ năm 1959 là nương luân canh của nhân dân 3 bản. Trong khi đó, một số hộ dân đang thiếu đất sản xuất, nên các “đại biểu” đã thống nhất thông qua biên bản: Chia đều rừng Pà Páo cho các hộ thuộc 3 bản trên để lấy đất làm nương rẫy. Biên bản trên có xác nhận của người đại diện chính quyền là ông Giàng Giả Lềnh, khi đó là Chủ tịch UBND xã (ông Lềnh thôi giữ chức từ tháng 6/2011). Ngay sau đó từ tháng 9/2010 đến tháng 2/2011, người dân trên địa bàn đã bước vào “công cuộc phá rừng” công khai với qui mô lớn. Bản thân những người có trách nhiệm như chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã và xã đội trưởng cũng hào hứng tham gia, trong đó Chủ tịch Lềnh “đạt thành tích” phá được trên 1 ha rừng ở trạng thái IIA để làm nương của nhà mình.
Gỗ từ rừng Pà Páo bị triệt hạ. |
Ông Giàng A Súa ở bản Tìa Dình A kể lại, nhờ ủy ban xã có chủ trương, lại có cưa máy nên mọi người phá nhanh lắm. Nhiều ngày đi qua rừng Pà Páo hàng km vẫn nghe tiếng cưa, tiếng cây đổ vang dội núi rừng. Cây to thì người ta xẻ thành hộp, đem về nhà cất để khi nào cần thì đem ra dùng, cây nhỏ được cắt khúc đem về làm củi. Nhưng phần lớn số gỗ bị chặt để lại nương, chờ cây khô thì đốt lấy tro để bón cho cây trồng trên nương.
Sau vụ “thảm sát” rừng trên, ngày 21/4/2011, Đoàn công tác liên ngành gồm Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, chính quyền huyện Điện Biên Đông do ông Lò Văn Hòa, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh dẫn đầu đã vào hiện trường kiểm tra. Biên bản tại hiện trường xác định, tổng diện tích rừng bị triệt hạ là 122,2 ha tại khoảnh 11 và 12 thuộc Tiểu khu 787. Trong đó có 30,1 ha ở trạng thái IIA (rừng 12 năm tuổi), diện tích còn lại ở trạng thái IB và IC từ 3 - 5 năm tuổi. Tổng trữ lượng gỗ thiệt hại ước tính 2,42 m3.
Đánh giá vụ việc trên, ông Trần Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết, cơ quan chức năng đã xác định đối tượng phá rừng là người dân của 129 hộ thuộc 8 bản ở khu vực trên. Nhưng việc xử lý những người vi phạm theo pháp luật đang gặp phải những khó khăn vì nhiều lý do. Tuy nhiên, ông Thượng cũng khẳng định: Trách nhiệm của vụ việc trên do sự yếu kém của chính quyền cơ sở, đặc biệt là ông chủ tịch xã và cán bộ kiểm lâm địa bàn.
Khi cung cấp thông tin cho phóng viên, ông chủ tịch xã Giàng Giả Lềnh lại cho rằng: Trong suốt thời gian giữ chức chủ tịch UBND xã, ông không nhận được sự chỉ đạo của bất cứ cơ quan nào yêu cầu thực hiện phân định ranh giới các loại rừng trên bản đồ, ông cũng chẳng biết trên địa bàn có mấy loại rừng và ranh giới thế nào! Tuy nhiên, việc ông đại diện cho chính quyền xã xác nhận vào biên bản thống nhất phá rừng, lại trực tiếp tham gia phá 1 ha trong diện tích 30,1 ha rừng IIA mà Nhà nước đã cấp tiền khoanh nuôi bảo vệ trong suốt 6 năm qua thì khó có thể biện minh cho hành vi của mình. Trên thực tế trong tháng 8/2010, ông Lềnh đã ký xác nhận tiếp nhận hồ sơ, bản đồ qui hoạch 3 loại rừng do phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện bàn giao. Còn cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn Lò Văn Phương thì lại lý giải, thấy chính quyền xã đồng ý cho phá rừng cùng với việc chủ tịch, phó chủ tịch, xã đội trưởng... cũng tham gia phá, nên tưởng đây là việc làm hợp pháp vì vậy không báo cáo cấp trên. Tuy phụ trách địa bàn, nhưng hiện nay ông Phương cũng không thể xác định được qui hoạch thực địa 3 loại rừng trên địa bàn. Cùng với việc thường xuyên vắng mặt ở cơ sở và trình độ chuyên môn yếu kém, nhân viên kiểm lâm này đã góp phần “hô biến” trên 100 ha rừng ở Tìa Dình.
Tại buổi làm việc với phóng viên TTXVN, ông Phạm Văn Khiên, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Khu vực trên trong lịch sử từ năm 1959 là đất nương luân canh của đồng bào khu vực. Trong số 122,2 ha trên, chỉ có 30,1 ha là rừng phòng hộ, từ năm 2003 - 2009, Nhà nước đã ký hợp đồng với nhóm hộ và chi trả kinh phí khoanh nuôi bảo vệ. Đến năm 2009, diện tích trên đã kết thúc việc hỗ trợ, làm thủ tục nghiệm thu thanh toán và bàn giao cho UBND xã vì rừng đã đạt tiêu chuẩn. Diện tích 52,3 ha ở trạng thái 1B và ,8 ha trạng thái 1C được coi là đất lâm nghiệp có cây gỗ rải rác, thuộc đối tượng xem xét đầu tư hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh. Theo ông Khiên thì rừng được hiểu là từ trạng thái IIA, còn 1B - 1C là diện tích đất trồng có cây gỗ rải rác thì rất khó xử lý đối tượng vi phạm vì không có chế tài qui định.
Cho đến thời điểm này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng huyện Điện Biên Đông vẫn lúng túng trong việc xác định trách nhiệm và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong vụ triệt hạ rừng Tìa Dình. Những người dân vi phạm thì đổ lỗi cho chính quyền địa phương vì cho rằng việc làm của họ đã được người đại diện chính quyền cho phép. Thậm chí, trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội 22/5/2011, có một lãnh đạo của huyện Điện Biên Đông còn thỏa hiệp là sẽ không truy cứu sự việc trên để bà con đi bầu cử. Một số cơ quan có liên quan lại đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng trên sang đất nông nghiệp, như vậy có khác nào tạo một tiền lệ xấu cho “phong trào phá rừng” của địa phương.
Chu Quốc Hùng