Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về thể dục, thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thể thao thành tích cao; thể thao chuyên nghiệp; đặt cược trong thể thao…
Kinh doanh đặt cược phải minh bạch, trung thực
Một điểm mới quan trọng trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao là bổ sung điều 67a về đặt cược thể thao. Theo đó, đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược.
Luật nêu rõ: Kinh doanh đặt cược thể thao là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao.
Hoạt động kinh doanh đặt cược phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là đồng Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.
Việc đưa quy định về đặt cược thể thao vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu chỉ rõ, quy định này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, đem lại khoản thu cho ngân sách, huy động được nguồn vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực thể dục, thể thao.
Thực tế, đặt cược trong thể thao không phải là câu chuyện mới mà đã được Chính phủ cho phép mặc dù chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực hoạt động thể thao có đủ điều kiện gồm: kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm có ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, chi tiết.
Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) khẳng định, nếu không đưa vào luật thì cá cược trong thể dục, thể thao vẫn diễn ra, dẫn đến thất thu ngân sách, rất khó quản lý, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội. "Luật quy định nguyên tắc, quy định khung còn Chính phủ sẽ quy định cụ thể, phù hợp với từng loại hình cá cược và từng thời điểm", đại biểu nêu.
Theo đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), hiện nay tổ chức đua ngựa, đua chó đã có ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Vấn đề này chỉ mới được quy định ở nghị định, cho nên việc quy định vấn đề này trong Luật là cần thiết. “Việc bổ sung quy định về đặt cược thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của một bộ phận người dân, đồng thời tăng cường sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hạn chế tác động xấu của loại hình kinh doanh này đối với xã hội và đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước”, đại biểu chỉ rõ.
Phân định rõ quyền và nghĩa vụ vận động viên thành tích cao
Tại Luật Thể dục thể thao năm 2006, quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao chưa được phân chia rõ ràng. Hiện nay, một số ít vận động viên thể thao trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao, không may bị tai nạn mất khả năng lao động hoặc chết, nhưng bản thân và gia đình chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước như các đối tượng chính sách, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn.
Vì vậy, Luật tập trung sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của vận động viên thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ, tăng cường chính sách ưu đãi cho vận động viên trong trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao (Điều 32). Luật cũng sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ; sửa đổi, bổ sung một số quy định về giải thi đấu thể thao, thẩm quyền quyết định tổ chức, trình tự thủ tục đăng cai tổ chức giải thể thao thành tích cao (Điều 37, , 40).
Liên quan đến giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 21. Cụ thể: Nhà nước có chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các bậc học; quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường…
Đối với việc phát triển môn bơi, nhiều ý kiến cho rằng, bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi, giáo viên dạy bơi. Việc tổ chức cho học sinh học bơi sẽ làm phát sinh chi phí, tạo gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Do vậy, để đảm bảo tính khả thi của điều luật, tạo điều kiện thuận lợi phát triển môn bơi, Luật đã quy định trách nhiệm của nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi (khoản 3 Điều 4; khoản 1 Điều 21; khoản 6 Điều 22). Bên cạnh đó, Luật cũng nêu rõ trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.