Xuất phát từ lượng người tham gia giao thông dịp cuối năm tăng đột biến, nên từ 25/12/2014 đến 25/3/2015, Công an Hà Nội sẽ tiến hành xử phạt các trường hợp dừng đỗ phương tiện sai quy định để mua, bán hàng hóa ở lòng đường, vỉa hè. Mức phạt tối đa với xe máy là 200.000 đồng và ô tô là 800.000 đồng.
Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với quyết định của thành phố Hà Nội. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại, vì mưu sinh khiến người dân phải nghĩ ra cách làm ăn. Vậy nên, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước không chỉ có phạt, mà cần giúp người dân vừa có thu nhập lại vừa đảm bảo tính hợp pháp việc xử lý vi phạm dừng, đỗ xe mua hàng trái phép trên lòng đường.
Trước một quyết định mới, thường bao giờ cũng có sự phản hồi khác nhau từ dư luận. Nhưng khi đó là quyết định hợp lý, phục vụ cho lợi ích chung của xã hội, làm cho cuộc sống tốt đẹp thêm, chắc chắn sẽ được người dân đồng tình, ủng hộ. Có thể nói, tình trạng vỉa hè, lòng đường ở nhiều tuyến phố nội đô bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, thời gian qua đã gây bức xúc dư luận, nhất là trong bối cảnh Hà Nội phải căng sức để chống ùn tắc giao thông. Đơn cử như tại các chợ tạm, chợ cóc, các điểm bán hoa, trái cây, đồ dùng ven đường..., tình trạng ô tô, xe máy dừng, đỗ giữa lòng đường mua bán ngang nhiên gây ùn tắc và bức xúc cho những người tham gia giao thông khác.
Đây không chỉ là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà còn là một lối ứng xử văn hóa rất xấu, cần được loại bỏ. Chưa kể, tại rất nhiều tuyến phố của Thủ đô, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để trông giữ phương tiện trái phép mọc lên như nấm, đã kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, nhất là việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự buông lỏng quản lý để thu phí vô tội vạ, bắt chẹt người gửi phương tiện. Cách đây vài năm, Hà Nội đã ban hành quyết định cấm buôn bán trên 62 tuyến phố và 262 tuyến phố bị cấm trông giữ phương tiện. Đầu năm 2014 (được chọn là “Năm trật tự và văn minh đô thị”), Hà Nội lấy chủ đề “Vỉa hè dành cho người đi bộ” với quyết tâm cao nhất lập lại trật tự trong lĩnh vực lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, công tác này cũng không được thực hiện triệt để.
Tâm điểm của “chiến dịch” lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường lần này, Hà Nội thể hiện quyết tâm làm quyết liệt, không “đánh trống bỏ dùi”, làm đến nơi đến chốn. Dù rằng, còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng đây được cho là một giải pháp đúng đắn vì nó tạo thêm được không gian cho lòng đường, giúp các phương tiện lưu thông tốt hơn, góp phần giảm bớt được nhu cầu gia tăng lượng xe cá nhân tham gia giao thông. Đây cũng là phương án khả thi, ít tốn kém để giảm ùn tắc giao thông.
Phải khẳng định rằng, việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường ở Thủ đô là không thể chậm trễ. Tuy nhiên, cùng với việc cấm chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, thành phố cần quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức tự giác của người dân; đồng thời cần quy hoạch những nơi được phép mua bán, tạo điều kiện giúp người dân chấp hành pháp luật. Quan trọng hơn cả, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần làm gương. Bởi kỷ cương phép nước muốn nghiêm, phải bắt đầu từ những “công bộc” của dân.
Yến Nhi