Hà Giang đang phải đối mặt với nạn “lâm tặc” lộng hành. Lợi nhuận cao từ việc chặt phá rừng đã làm người dân bị cuốn vào các vụ phá rừng của "lâm tặc" với công cụ phá rừng là xưa xăng hết sức lợi hại...
Theo lời một lãnh đạo ngành lâm nghiệp tỉnh Hà Giang: Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, mỗi hộ gia đình ở gần rừng thiên nhiên hoặc rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh này có ít nhất một chiếc cưa xăng (cưa máy chạy bằng xăng). Đây là loại công cụ phá rừng rất nguy hiểm. Tại các chợ đường biên hay chợ phiên của các huyện biên giới, cưa xăng của Trung Quốc được bày bán tràn lan.
Những cây gỗ nghiến nhiều năm tuổi tại rừng Phong Quang (Hà Giang) luôn là mục tiêu hướng đến của "lâm tặc". Nguồn: thiennhien.net |
Mỗi cưa xăng có giá từ 7-9 triệu đồng tùy theo công suất máy. Giá thành mua bán là vậy nhưng thanh toán giữa người mua và người bán lại được thực hiện bằng vật trao đổi là các thớt gỗ nghiến. Một người dân Hà Giang cho biết: thường từ 3-4 thớt gỗ nghiến với đường kính 40 cm, bề dầy 30 cm là đổi lấy 1 cưa xăng. Một cây gỗ nghiến để có đường kính từ 40 cm phải có tuổi nhiều chục năm. Người cưa gỗ nghiến trong rừng sau khi cưa phần gốc lấy 3-4 thớt đổi máy cưa, còn lại phần thân cây cũng được xẻ thành gỗ hộp (khoảng 15-20 m3) bán đem về lượng tiền không ít.
Một vài năm trở lại đây, tỉnh Hà Giang phải đối mặt với nạn “lâm tặc” lộng hành. Tình trạng khai thác gỗ quí, lâm sản trái phép diễn ra ngày một phức tạp. Lợi nhuận cao từ chặt phá rừng lấy gỗ, buôn bán, môi giới gỗ quí cũng như nhu cầu luôn gia tăng từ các chủ đầu nậu gỗ bên kia biên giới đã làm người dân, nhất là người dân cư trú gần các khu rừng đặc dụng bị cuốn vào các vụ phá rừng của "lâm tặc" trong và ngoài tỉnh. Cũng đã có cán bộ kiểm lâm Hà Giang "chung tay" cùng “lâm tặc” phá rừng bị đưa ra xét xử trước pháp luật.
Là tỉnh miền núi ở địa đầu cực Bắc đất nước, tài nguyên thiên nhiên để lại cho Hà Giang ngoài Khu công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn còn có 6 khu rừng đặc dụng, trong đó có 5 khu bảo tồn thiên nhiên và một Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca. Các khu rừng đặc dụng luôn là điểm nóng bởi các vụ việc khai thác trái phép gỗ, lâm sản quí cùng những cuộc đụng độ giữa lực lượng bảo vệ rừng với những người chặt phá rừng.
Việc cưa xăng của Trung Quốc xuất hiện và được mua bán bằng hình thức đổi gỗ nghiến lấy cưa xăng tại hầu hết các chợ biên giới cho thấy sự quỉ quyệt và lộng hành của “lâm tặc”. Nhưng do hám tiền và lợi ích vật chất nên không ít người vẫn sa bẫy kẻ xấu, làm hại đến lợi ích cộng đồng. Các ngành chức năng cần sớm ngăn chặn tình trạng cưa xăng “xẻ thịt” các khu rừng đặc dụng Hà Giang.
Công Hải